Mới đây, một bà mẹ tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) đã đăng tải thắc mắc về một bài tập toán của con lên mạng xã hội. Nhanh như một cơn gió, bài đăng của phụ huynh này đã "gây bão" mạng xã hội.

Theo đó, bài toán cho một biểu đồ đường nhiệt độ cơ thể và bên dưới là 3 câu hỏi mà học sinh phải trả lời. Các câu bao gồm:

(1): Bệnh nhân cách mấy tiếng phải đo nhiệt độ một lần?

(2): Nhiệt độ cao nhất bệnh nhân này đo được là bao nhiêu độ C? Thấp nhất là bao nhiêu độ C?

(3): Từ biểu đồ kể trên, em còn biết được thông tin gì?

Ở hai câu hỏi đầu tiên, con của vị này đã đưa ra đáp án đúng. Tuy nhiên, "kiếp nạn" lại nằm ở phần cuối cùng.

Với câu lệnh này, học sinh trả lời như sau: "Bệnh nhân này sắp khỏe lại rồi". Trước lời giải thích mà học sinh này đưa ra, giáo viên khoanh tròn lại bằng bút đỏ và trừ 4 điểm của em mà không rõ lý do. Chính điều này khiến người mẹ đặt dấu hỏi chấm lớn.

photo-1-17205156144691459529038.jpeg

Bài toán của học sinh

Bài đăng của phụ huynh nhanh chóng gây bão mạng. Với một bài toán có liên quan đến y học, nó đã thu hút sự quan tâm của không ít người làm trong ngành Y. Thậm chí, nhiều bác sĩ còn đề nghị cô giáo trả lại 4 điểm đã trừ cho học sinh. Có người để tăng độ uy tín còn xuất trình cả giấy phép hành nghề y ra: "Tôi không nói đùa đâu, xin trả lại 4 điểm cho em học sinh kia".

Còn về lý do, đa phần những người trả lời cho ở ngày cuối cùng trong biểu đồ, nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân trên đã trở về mức tương đối ổn định là 36,7 - 37 độ C - đây quả thực là nhiệt độ cơ thể bình thường (với một số người, thân nhiệt lúc ổn định có thể rơi vào tầm 36,7 độ thay vì 37 độ như thường thấy). Vậy nên, học sinh trả lời là "bệnh nhân này sắp khỏe lại rồi" là hoàn toàn có cơ sở.

Nhiều người còn tò mò hỏi bà mẹ đáp án tiêu chuẩn cô giáo đưa ra, bà mẹ cho hay đáp án trên biểu điểm là "Ngày cuối cùng, thân nhiệt của bệnh nhân tương đối ổn định". Đáp án này khiến các y bác sĩ một lần nữa không hài lòng vì cho rằng nó cũng chung chung, thậm chí còn không hợp lý bằng đáp án học sinh trả lời. Bên cạnh đó, đây rõ ràng là một bài toán thực tế nên đáng ra không có một câu trả lời tiêu chuẩn nào cho nó mới đúng.

Ngành y sục sôi còn ngành giáo dục cũng ồn ào không kém. Bên dưới bài đăng của người mẹ, hàng loạt netizen làm giáo viên cũng đã vào để lại bình luận. Một giáo viên Trung Quốc chia sẻ, các bài toán biểu đồ đường thường dành cho các học sinh lớp 5. Trước đó, học sinh lớp 1 đã có thể được tiếp xúc với các kiến thức về thống kê. Mục tiêu của những dạng bài biểu đồ là giúp học sinh nhìn thấy được xu hướng thay đổi. Từ những con số, học sinh có thể đưa ra kết luận.

Đối với câu hỏi về thông tin rút ra được từ biểu đồ đường nhiệt độ cơ thể trên, nếu học sinh chỉ đưa ra kết luận rằng "bệnh nhân này sắp khỏe lại rồi", nhưng không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào bằng số liệu về sự thay đổi của nhiệt độ cơ thể (chẳng hạn như xu hướng giảm của nhiệt độ cơ thể là bao nhiêu, sự ổn định tương đối của nhiệt độ cơ thể trong năm ngày qua...), thì câu trả lời như vậy không hoàn thành 100% yêu cầu.

Trong toán học, học sinh cần trau dồi tư duy logic chặt chẽ và biểu hiện toán học chính xác. Do đó, giáo viên đã trừ 4 điểm bởi lý do học sinh chưa đưa ra số liệu mà em đã quan sát được từ biểu đồ đường nhiệt độ cơ thể, mà mọi kết luận chỉ dựa trên cảm tính cá nhân.

Nói một cách đơn giản hơn, đó là một bài toán ứng dụng, học sinh không thể chỉ đưa ra kết quả mà không có diễn giải bằng số học. Những bài toán thực tế thế này có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh bởi nó không chỉ giúp các em nâng cao trình độ toán học mà còn nâng cao hiểu biết về mối liên hệ giữa toán học và cuộc sống.

Nhìn một cách khách quan, quan điểm của bác sĩ không sai mà việc cô giáo trừ 4 điểm của học sinh cũng không quá khó hiểu.

Theo Sohu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022