Cái tên Jiang Ping, một nữ sinh trường dạy nghề thời trang ở một vùng nông thôn Trung Quốc hiện đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông Trung Quốc.

Cô bé sinh ra trong một ngôi làng nghèo ở tỉnh Giang Tô này đã vượt mặt nhiều học sinh ưu tú tại các trường nổi tiếng cả trong và ngoài nước để tham dự đến vòng chung kết cuộc thi toán toàn cầu, khiến các đối thủ là du học sinh phải liên danh kiện gian lận.

Hãng tin CNN cho hay văn hóa coi thường trường dạy nghề hiện đang khá phổ biến khi những học sinh tại đây chiếm 40% số điểm kém nhất trong kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông (Zhongkao) tại Trung Quốc.

Chính điều này đã tạo nên những tranh cãi lớn về việc Jiang Ping là một nữ "Einstein" ở ẩn bị đối thủ ganh ghét hay là một vụ gian lận chấn động khác trong làng toán học.

photo-7-17205034028781190008105.jpg

Đánh bại Harvard, MIT

Em Jiang Ping đứng thứ 12/802 thí sinh lọt vào danh sách rút gọn, vốn hầu hết đến từ các học viện danh giá như Harvard, Oxford và MIT, trong kết quả vòng một cuộc thi toán quốc tế Alibaba do Học viện DAMO công bố ngày 13/6/2024.

Cuộc thi này được ra mắt vào năm 2018 bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba và miễn phí cho những người đam mê toán học toàn thế giới muốn tham gia. Danh sách 85 người đứng đầu năm nay sẽ được nhận giải thưởng từ 2.000 đến 30.000 USD.

Chính điều này đã khiến vị trí cao của em Jiang trở thành điểm gây chú ý bởi nữ sinh này đến từ trường dạy nghề vùng nông thôn, vốn chịu định kiến xã hội khi phần lớn học sinh ở đây có thành tích thấp trong hệ thống giáo dục Trung Quốc.

Ban đầu giới truyền thông khá phấn khích về một tấm gương nhà nghèo vượt khó, bất kể môi trường học khó khăn vẫn vươn lên, trở thành tấm gương cho nhiều bạn trẻ.

Tuy nhiên sau khi kết thúc vòng chung kết và chờ kết quả công bố vào tháng 8/2024, nữ sinh 17 tuổi Jiang Ping hiện đang phải đối mặt với áp lực tố cáo gian lận ngày một lớn từ chính đối thủ.

Cụ thể, chỉ 1 ngày sau khi vòng chung kết chấm dứt, du học sinh Richard Xu của đại học Harvard, người chỉ đứng thứ 190 trong vòng 1, đã liên danh 38 đối thủ khác viết một bức thư đề nghị ban tổ chức điều tra độc lập về Jiang vì nghi ngờ gian lận.

photo-6-17205034019961079624813.jpg

Trong bức thư có đưa ra các nghi ngờ và một số giả thuyết về "gian lận có hợp tác" giữa Jiang với thí sinh Wang, người đứng thứ 125 trong vòng 1 khi hai người này vốn có quan hệ thầy trò.

Ngày 27/6/2024, chính phủ địa phương đã thừa nhận tin đồn rằng Jiang chỉ đạt 83/150 điểm cuộc thi toán học cấp trường được tổ chức sau khi kỳ thi toán toàn cầu trên được tổ chức vòng 1. Phía chính phủ cho biết các cuộc điều tra đang được tiến hành.

Tuy nhiên từ đó đến nay, các bài đăng về Jiang đã bị gỡ và hiện chưa có cập nhật thông tin gì mới.

Gian lận hay định kiến?

Tân Hoa Xã đưa tin năng khiếu toán học của Jiang bắt đầu bộc lộ ở cấp trung học cơ sở, nơi điểm số của cô vượt xa các bạn cùng lớp. Sau đó cô được giáo viên toán Wang Runqiu đào tạo tại Trường Trung học Dạy nghề Lianshu, nơi cô học thiết kế thời trang.

Nữ sinh Jiang cũng được thầy Wang, người từng 3 lần lọt vào chung kết cuộc thi toán toàn cầu Alibaba, giúp đào tạo để tự học toán nâng cao trong 2 năm qua.

photo-5-1720503401210397388754.jpg

Kể từ khi lọt top thí sinh dự thi chung kết toán cao cấp, tên tuổi của Jiang đã tràn ngập các lượt tìm kiếm trên mọi nền tảng mạng xã hội. Ở quê nhà, hình ảnh của Jiang được vinh danh trên nhiều màn hình lớn ở trung tâm địa phương.

Mặc dù vẫn còn gây tranh cãi nhưng một số người lại cho rằng công chúng đang quá gay gắt và định kiến với học sinh trường dạy nghề vùng quê nghèo ở Trung Quốc.

"Việc em Jiang, một học sinh trường nghề đạt thứ hạng cao đã thu hút sự chú ý của dư luận, cho thấy sự quan tâm của xã hội với hệ thống giáo dục Trung Quốc", giáo sư Zhao Yong của trường đại học Kansas nói.

Những học sinh trường dạy nghề thường chiếm đến 40% số người đứng cuối bảng trong kỳ thi Zhongkao. Họ thậm chí không đủ điều kiện để vào các trường cấp 3 bình thường để luyện thi tuyển sinh đại học (Gaokao).

Trong một xã hội mà thành tích học tập kém thường bị đánh đồng với những thất bại về mặt đạo đức như lười biếng, hèn mọn, phạm pháp thì rất nhiều học sinh thi Zhongkao bị điểm kém ở tuổi 15 phải chấp nhận vào trường dạy nghề và làm việc cực nhọc suốt quãng đời còn lại.

Điều này hoàn toàn trái ngược so với thập niên 1980-1990 khi học nghề được coi là con đường tươi sáng để có công việc ổn định trong bối cảnh nền kinh tế cần lao động kỹ thuật.

photo-4-17205034003631333031745.jpg
photo-3-1720503399580261269883.jpg
photo-2-1720503398498689768205.png

Tuy nhiên kể từ khi giáo dục đại học mở rộng tại Trung Quốc vào năm 1999 thì tấm bằng cử nhân còn mất giá chứ chưa nói đến trường dạy nghề.

Mặc dù trong kế hoạch "Made in China 2025", Trung Quốc đã tăng cường trường dạy nghề nhưng học sinh tại những ngôi trường này vẫn bị định kiến xã hội, không coi trọng bằng trường đại học.

Einstein lụi tàn?

Trong cuộc phỏng vấn với The Beijing News, nữ sinh Jiang cho biết cô vẫn muốn thi vào đại học và ngôi trường mơ ước là Đại học Chiết Giang, học viện hàng đầu ở Hàng Châu.

Tuy nhiên ước mơ này khó thực hiện với cơ chế thi cử, tuyển sinh hiện nay tại Trung Quốc dù Jiang có trình độ toán học khá tốt.

Giáo sư Zhao của trường đại học Kansas cho hay sự phân loại và tuyển sinh tại Trung Quốc diễn ra quá sớm và còn cứng nhắc, qua đó giới hạn lựa chọn cũng như tương lai của nhiều cá nhân. Ông Zhao dẫn chứng Đức và Phần Lan trong chế độ học song song, cho phép sinh viên chuyển đổi linh hoạt giữa học nghề và đại học.

photo-1-1720503397269107787712.jpg

Theo CNN, nỗ lực khuyến khích của Trung Quốc nhằm trao đổi nguồn lực giáo dục với nước ngoài trong 20 năm qua đã vấp phải sự thờ ơ của các trường trung học do bận rộn huấn luyện học sinh đạt điểm cao hơn trong Gaokao, qua đó có thành tích tốt, thu hút phụ huynh và hình ảnh thương hiệu trong xã hội.

Ông Zhao cho hay nữ sinh Jiang là một người may mắn vì có năng khiếu toán học, nhưng tài năng này có thể là một Einstein bị lụi tàn vì hệ thống giáo dục còn cứng nhắc.

Hiện em Jiang chỉ coi môn toán là kế hoạch dự phòng và vẫn ưu tiên mảng thiết kế thời trang cho sự nghiệp tương lai hơn.

Điều này cũng dễ hiểu khi giáo sư Zhang cho rằng lựa chọn của một cô gái 17 tuổi là không nhiều khi học sinh trường nghề không có nhiều cơ hội lên đại học mà phải kiếm tiền nuôi bản thân lẫn gia đình.

"Cuối cùng thì em ấy cũng có gia đình phải nuôi", giáo sư Zhang ngậm ngùi.

*Nguồn: CNN

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022