Trường Đại học Hà Tĩnh cuối tháng 6 ra quyết định về việc xếp loại viên chức và lao động hợp đồng năm học qua. 11 người bị đánh giá "không hoàn thành nhiệm vụ", phần lớn thuộc diện phải đi học tiến sĩ theo kế hoạch của trường. Chị Lan (đã đổi tên) là một trong số này.

"Tôi rất bức xúc. Vì sao trường lại ép tôi đi học mà không xem xét thực tế có cần hay không và giảng viên có đủ điều kiện đi học không", nữ giảng viên nói.

Giảng viên này cho hay sức khỏe bản thân không tốt, lương hàng tháng khoảng 10 triệu đồng nên chi tiêu phải dè sẻn. Học tiến sĩ với chi phí một năm thấp nhất là 100 triệu đồng, với chị là gánh nặng. Chưa kể, vị trí giảng dạy hiện không nhất thiết có bằng cấp này.

"Lý do của tôi chính đáng nhưng lại bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc giảng dạy".

Một giảng viên khác cũng bức xúc bởi những năm qua đạt nhiều thành tích nhưng chỉ vì không đăng ký học tiến sĩ mà bị đánh giá tương tự.

"Nếu giờ đi học trong khi bản thân chưa sẵn sàng, phải đánh đổi nhiều thứ thì việc học có tốt, thực chất được không", người này nói. "Có đồng nghiệp đã rục rịch tìm chỗ làm mới sau thông báo này".

Theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng viên giai đoạn 2023-2026 được Đại học Hà Tĩnh ban hành năm ngoái, tất cả giảng viên của trường phải học tiến sĩ. Trong đó, danh sách năm 2023 có 28 người, năm nay là 30 người.

"Giảng viên thuộc diện được cử đi học để nâng cao trình độ nếu không đi đào tạo theo đúng kế hoạch hoặc thi không đậu nghiên cứu sinh sẽ bị đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm học đó và bắt buộc phải đi học trong năm tiếp theo (kể cả đã quá tuổi)", trích kế hoạch.

Theo Luật Viên chức năm 2010, nếu hai năm liên tục bị đánh giá "không hoàn thành nhiệm vụ", viên chức sẽ bị cơ quan đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

DH-Ha-Tinh-jpeg-9024-1720513586.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OABNdbOT8sctfoGLpedM2w

Trụ sở chính của trường Đại học Hà Tĩnh ở huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Đức Hùng

Trong văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh hôm 5/7, Hiệu trưởng Đại học Hà Tĩnh - Đoàn Hoài Sơn cho biết từ năm 2015, trường đã quy định giảng viên phải học nâng cao trình độ.

Cụ thể, giảng viên có bằng đại học, kỹ sư, được tuyển dụng từ năm 2008 phải có bằng thạc sĩ sau 5 năm, bằng tiến sĩ sau 15 năm. Nếu thời điểm vào trường, giảng viên đã có bằng thạc sĩ thì sau 10 năm phải có bằng tiến sĩ. Nếu không, giảng viên sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ.

Lý giải, ông Sơn cho hay theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2022, để đào tạo một mã ngành, trường đại học phải có ít nhất 5 tiến sĩ. Quy định trước đó thấp hơn, song năm 2014, trường Đại học Hà Tĩnh từng phải dừng 14 mã ngành vì giảng viên chưa đáp ứng.

Đề án sáp nhập trường làm thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu rõ đến năm 2026, trường phải nâng tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ lên thành 50-60%, phấn đấu đến năm 2030 là trên 70%.

Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu trường quan tâm đào tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ.

"Với những yêu cầu đặt ra của giáo dục đại học, nhu cầu phát triển nguồn lực chất lượng cao của tỉnh, đặc biệt là sự sống còn, phát triển của Đại học Hà Tĩnh, trường cần có những hình thức xử lý nghiêm khắc hơn đối với viên chức không thực hiện nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng theo các kế hoạch đề ra", văn bản của trường nêu.

Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết giảng viên nếu thi đỗ nghiên cứu sinh sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ được 100 triệu. Nếu được phong hàm phó giáo sư, giáo sư, giảng viên được thưởng thưởng 100-200 triệu đồng.

Tuy nhiên, giảng viên cho rằng mức hỗ trợ trên không đủ. Nhà trường yêu cầu giảng viên cam kết đi học nhưng không có cam kết ngược lại về khoản hỗ trợ, điều kiện làm việc trong và sau khi học. Họ đã nhiều lần phản ánh bất cập này nhưng trường không ghi nhận.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảng viên đại học chỉ cần có bằng thạc sĩ trở lên, phù hợp với vị trí việc làm. Tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của cả nước hiện khoảng 31%.

Trường Đại học Hà Tĩnh ra đời năm 2007, giữa phong trào nâng cấp cao đẳng sư phạm thành đại học ở nhiều địa phương. Ngoài hệ đại học, trường còn mở hệ mầm non và phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12).

Sau gần 20 năm, phần lớn rơi vào cảnh lay lắt, do tuyển sinh kém trong khi nguồn ngân sách rót về giảm. Từ năm 2020 đến 2022, trường Đại học Hà Tĩnh chỉ tuyển được khoảng 300-600 sinh viên hệ chính quy, dù chỉ tiêu khoảng 1.400-1.700.

Trong một bài đăng trên website, cập nhật tháng 4/2021, trường cho biết có hơn 200 giảng viên cơ hữu, song chỉ khoảng 30 người có trình độ tiến sĩ.

Dương Tâm - Đức Hùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022