Cựu sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận tin cùng lúc vào cuối tháng trước. Trong đó, Hà giành học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC) để theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh.

Với hai trường còn lại là Đại học Hong Kong và Thanh Hoa, cô được hỗ trợ toàn bộ học phí, lần lượt với ngành Quản trị toàn cầu và Chính sách công cho mục tiêu phát triển bền vững (MPP-SDGs).

Trong bảng xếp hạng đại học QS năm 2025, Đại học Bắc Kinh ở vị trí thứ 14, Hong Kong hạng 17, còn Thanh Hoa hạng 20.

"Đỗ đã khó chứ mình không nghĩ đến việc có học bổng", cô gái 22 tuổi, nói. "Mình không thể quên cảm giác vui sướng dù đã nhận tin cách đây hai tuần".

img-0549-jpg-1720513505-6203-1720514395.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LWvrHyJLDl0zMe7aTxmBmQ

Vân Hà trong ảnh chụp hồi đầu năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hà là cựu học sinh chuyên Toán, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Vì nhiều bạn bè xung quanh luôn trong tâm thế "xuất ngoại", nữ sinh cũng muốn du học.

"Mình được chia sẻ nhiều về đời sống sinh viên ở trời Tây và xác định đã du học thì phải vào trường top 50 thế giới", cô nói.

Tuy vậy, Hà phải hoãn kế hoạch khi ra trường đúng giai đoạn Covid-19 phức tạp. Nữ sinh quyết định học đại học trong nước, du học ở bậc thạc sĩ. Hà đặt mục tiêu đạt điểm học tập (GPA) xuất sắc, giành giải nghiên cứu khoa học để thuận lợi khi ứng tuyển.

Để làm được điều này, Vân Hà chủ động xin tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ nhất. Dự án đầu tiên của Hà về đổi mới xanh của doanh nghiệp xây dựng tại Việt Nam.

"Càng những doanh nghiệp hoạt động lâu năm, họ càng khó đổi mới. Còn những công ty nhỏ, CEO trẻ thường có động lực tìm giải pháp giảm tác động đến môi trường", Vân Hà chia sẻ về kết quả nghiên cứu, lấy ví dụ một công ty ở Thái Bình biến rác thành cốp pha nhựa để lót sàn.

Đề tài giành giải nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường, được công bố tại hội thảo quốc tế của Đại học Kinh tế quốc dân (CIEMB). Nhóm của Hà sau đó đào sâu hơn, kết quả được công bố trên tạp chí Sustainability về lĩnh vực phát triển bền vững. Đây là tạp chí thuộc Q1 - nhóm 25% tạp chí uy tín nhất trong một lĩnh vực.

Định du học ở các nước nói tiếng Anh, song trong một lần tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo trẻ tại Đại học Bắc Kinh, Vân Hà đi học thêm tiếng Trung.

"Hội nghị bằng tiếng Anh, nhưng khi muốn thảo luận sâu, các sinh viên nội địa lại trao đổi bằng tiếng Trung. Mình cũng muốn tham gia những hội thoại chất lượng như vậy", Vân Hà nói. Nữ sinh tìm gia sư, "cày" các loại giáo trình để luyện thi HSK (chứng chỉ Hán ngữ quốc tế, gồm 6 bậc), đọc truyện khoa học và cổ tích cho trẻ em bằng tiếng Trung, luyện phát âm trên mạng.

Cuối năm ngoái, Vân Hà hoàn thành chương trình cử nhân loại xuất sắc trong 3,5 năm với điểm trung bình 3.99/4.0. Nữ sinh cũng thi đỗ chứng chỉ HSK bậc 6 và IELTS 8.0.

448896185-438522732414625-3053-5903-5603-1720514395.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=duUHzcbKXpbABGcIib7oUw

Vân Hà trong khuôn viên trường Đại học Kinh tế quốc dân, cuối năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhận thấy thời cơ chín muồi, Vân Hà bắt tay làm hồ sơ, nhắm đến Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa và Hong Kong.

"Mình chọn các ngành về Kinh tế xanh và phát triển bền vững vì từng có nghiên cứu khoa học liên quan, cũng tiếp nối ngành Kinh tế quốc tế ở đại học", Hà nói.

Yêu cầu chung trong hồ sơ của ba trường gồm thư giới thiệu, bảng điểm và bài luận trình bày lý do muốn theo học. Hà đã xin thư giới thiệu từ hai phó giáo sư của trường.

Ở bài luận ứng tuyển Đại học Thanh Hoa, Vân Hà kể về sự khó chịu của mùi khói xe ô tô tại Hà Nội và hướng nghiên cứu về chất liệu xanh. Cô nói ấn tượng với ngành Chính sách công cho Mục tiêu phát triển bền vững độc đáo ở trường.

Với bài viết gửi Đại học Bắc Kinh, nữ sinh chia sẻ được truyền cảm hứng theo đuổi kinh tế bền vững xuyên quốc gia sau khi tham gia hội thảo tại trường. Còn trong bài gửi Đại học Hong Kong, Hà kể đam mê khởi nghiệp về tư vấn môi trường và mong muốn trở thành cầu nối giữa trường và các sinh viên tiềm năng tại Việt Nam.

Hồi tháng 2, khi các bạn cùng nộp đã nhận email mời phỏng vấn, nữ sinh vẫn chưa biết kết quả. "Mình hoài nghi về năng lực bản thân. Cảm giác như mọi công sức đã đổ sông, biển", Hà kể.

Nhớ lại từng kết bạn với một sinh viên ở Đại học Bắc Kinh, Hà nhờ hỏi về hồ sơ và được biết kết quả sẽ trả muộn. Ba tuần sau, tin vui từ Bắc Kinh đến. "Mình vui không thể tả nổi. Thanh Hoa và Hong Kong cũng gửi email ngay sau đó", Hà nói.

Ở vòng phỏng vấn, các giáo sư Thanh Hoa hỏi Hà nhiều kiến thức hàn lâm về nền kinh tế tập trung và thị trường; trong khi hội đồng tuyển sinh Bắc Kinh hỏi về quan hệ kinh tế quốc tế và các ứng dụng của AI. Theo nữ sinh, các giáo sư ở Đại học Hong Kong lại hỏi hỏi nhiều về kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu.

"Các câu hỏi đều nhằm hiểu kỹ hơn về ứng viên. Mình đã chuẩn bị trước nên trả lời khá trôi chảy", Vân Hà cho hay.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hưng, giảng viên hướng dẫn Vân Hà nghiên cứu tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá học trò thể hiện sự xuất sắc ngay từ năm thứ nhất đại học.

"Vân Hà có tố chất nghiên cứu nổi trội, có khả năng lập kế hoạch và quản lý tốt khi làm việc nhóm và đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo", thầy Hưng nói.

Thành công ứng tuyển vào ba trường hàng đầu thế giới, cô gái 22 tuổi nhìn nhận kinh nghiệm là lập kế hoạch từ sớm và chủ động tìm kiếm thông tin về ngành, trường.

"Mình từng lục tung mạng xã hội để tìm kiếm mối quan hệ, chủ động tham khảo các anh chị đi trước về hồ sơ", Hà nói. Tuy vậy, đây có thể là "con dao hai lưỡi" vì khi tham khảo nhiều, ứng viên dễ bị rối, dẫn đến nản chí.

Hà chưa quyết định sẽ theo học trường nào. Trong tương lai, cô mong làm việc trong các tổ chức quốc tế, định hướng nghiên cứu.

Doãn Hùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022