Tháng 7 Âm lịch hay tháng Vu lan báo hiếu là thời điểm để mỗi người bày tỏ tình cảm, sự biết ơn đến đấng sinh thành. Sự kiện có nguồn gốc từ tích về ngài Mục Kiền Liên ở Ấn Độ cứu mẹ hơn 2.500 năm trước, sau này được mọi người noi gương hiếu hạnh. Dịp này, Lòng mẹ là một trong những ca khúc được tìm nghe bởi những ca từ, giai điệu giàu cảm xúc.

long-me-giao-linh-1598000879.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Zx3AFp3YgbYLDcGt23jVTg
Lòng mẹ - Giao Linh

Bài hát do ca sĩ Giao Linh, Dương Ngọc Thái thể hiện. Video: YouTube Dương Ngọc Thái

Nhạc sĩ Y Vân sáng tác Lòng mẹ cuối thập niên 1950 tại TP HCM, lấy cảm hứng từ người mẹ của mình. Một đêm, bà đi giặt quần áo ở bể nước công cộng nhưng về quá giờ giới nghiêm, bị quân cảnh tạm giữ. Khi đó, Y Vân là nhạc công thường diễn tại các phòng trà. Trong đêm ấy, nghĩ thương mẹ tần tảo sớm khuya lo cho gia đình, nhạc sĩ vừa khóc vừa viết đến nhòe bản thảo. Nhạc sĩ từng cho biết sau khi hoàn thành, ông hát cho mẹ nghe, bà rơi nước mắt vì xúc động.

Trong bài hát, nhạc sĩ Y Vân sử dụng ca từ mộc mạc, với nhiều hình ảnh so sánh, ví lòng mẹ giống biển Thái Bình - một tấm lòng bao la, rộng lớn không thể đong đếm, coi lời nói của bà nhẹ nhàng, êm ả như ''đồng lúa chiều rì rào''. Dáng vẻ ''một sương hai nắng'', ''không quản thân gầy'', chăm sóc con đến ''bạc mái đầu buồn phiền'' của người mẹ hiền được nhạc sĩ tái hiện. Từ ''Thương con'' lặp lại vài lần, nhấn thêm tình yêu mẹ dành cho các con. Tình cảm ấy luôn chan chứa, không gì có thể sánh bằng, khiến ''Trăng ngàn đứng lặng để nghe''.

Người con lớn lên trong sự yêu thương vô bờ mà mẹ dành cho, luôn khắc ghi công ơn sinh dưỡng của bà. Cuối bài, tác giả gửi thông điệp: ''Dù ai xa vắng. Trên đường sớm chiều về đâu. Dù khi mưa gió. Tháng ngày trong đời bể dâu. Dù cho phai nắng. Nhưng lòng thương chẳng lạt mầu. Vẫn mong quay về. Vui vầy dưới bóng mẹ yêu''.

Năm 1992, Y Vân qua đời khi mẹ còn sống. Minh Lâm - vợ thứ hai của nhạc sĩ - từng kể rằng trước linh cữu con trai, người mẹ nói: ''Người ta thường bảo: Con 'đi' trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu, bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài Lòng mẹ''. Theo bà Minh Lâm, sinh thời, ông Y Vân là người luôn có trách nhiệm, hiếu kính với mẹ và yêu thương vợ con.

Bài hát được nhiều tên tuổi nữ nổi tiếng của dòng nhạc trữ tình thể hiện, như Thái Thanh, Khánh Ly, Hương Lan, Giao Linh. Ở phiên bản giọng nam, Ngọc Sơn được coi là thành công nhất khi gửi gắm những cảm xúc dạt dào. Đời thực, anh cũng là người con hiếu thảo, từng sáng tác một số ca khúc tri ân đấng sinh thành. Giai đoạn đầu sự nghiệp, ca sĩ viết bài Lòng mẹtheo thể bolero, sớm trở thành hiện tượng. Để phân biệt với ca khúc của nhạc sĩ Y Vân, tác phẩm của Ngọc Sơn thường được gọi là Lòng mẹ 2.

long-me-ngoc-son-1723947722.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MZlsILa192ZQdoP6ObUJNA
'Lòng mẹ' - Ngọc Sơn

Ngọc Sơn hát ''Lòng mẹ'' (Y Vân). Video: YouTube Bolero Trữ tình

Nhạc sĩ An Hiếu cho biết xúc động dù nghe ca khúc ở hoàn cảnh nào. Anh nhận định bài hát có giai điệu đẹp, ca từ giản dị, không đề cập ý tứ xa vời, khiến ai cũng nhìn thấy hình bóng mẹ mình trong đó. ''Tác phẩm thể hiện hình ảnh đặc trưng của người mẹ Việt Nam. Qua thời gian, bài hát vẫn duy trì sức sống, khẳng định đây là một tác phẩm âm nhạc chất lượng'', nhạc sĩ nói.

Thanh Hương, 48 tuổi, Hà Nội, nói luôn nhiều cảm xúc mỗi khi nghe ca khúc. Sinh trưởng trong một gia đình đông con, khán giả càng thấm thía nỗi vất vả của mẹ để lo cho các con nên người.

Nhạc sĩ Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933, quê gốc Thanh Hóa. Thuở niên thiếu, ông từng theo học nhạc với giáo sư, nhạc sĩ Tạ Phước và sáng tác từ sớm. Năm 1952, ông vào Nam, tiếp tục sáng tác, chơi nhạc, hòa âm và dạy nhạc Nhạc còn viết sách dạy nhạc và đàn guitar. Y Vân là người đi tiên phong cho dòng nhạc nhẹ với những bài hát có giai điệu Cha cha cha, Disco, Twist như Sài Gòn, 60 năm cuộc đời, Thôi, Kim.

Phương Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022