Theo thiết kế, công trình sẽ được dựng ở quê soạn giả - huyện Duyên Hải, diện tích 11.300 m2 với 16 hạng mục chính, gồm: cổng, biểu tượng đàn tranh, tượng cùng nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp, khu nhà trưng bày đờn ca tài tử cải lương, nhà biểu diễn, khu quầy lưu niệm, khu hành chính. Công trình dự kiến khởi công tháng 10, hoàn thành trong năm 2025, từ nguồn xã hội hóa.

vien-chau-1-2352-1720601273.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=pI-NAmbgKOsrPhEYbA-ZsA

Phối cảnh khu lưu niệm cố soạn giả Viễn Châu. Ảnh: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trà Vinh

Theo cơ quan chức năng, công trình nhằm tri ân những đóng góp của Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu. "Ông góp phần quan trọng trong việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc về thể loại đờn ca tài tử Nam bộ, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại", ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh - nói hôm 10/7.

Từ tháng 6, đại diện tỉnh tổ chức ba đợt vận động trực tiếp tại TP HCM, Bình Dương và Cần Thơ, nguồn kinh phí nhận được hiện là khoảng 1,5 tỷ đồng. Từ nay đến cuối tháng 7, tỉnh sẽ vận động ở Hà Nội, Trà Vinh, đồng thời gửi thư ngỏ đến các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nghệ sĩ ủng hộ.

vien-chau-2-5270-1720601273.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-rtkgpaCxTczdM0sexil6g

Phối cảnh biểu tượng đàn tranh nằm giữa khu lưu niệm cố soạn giả Viễn Châu. Ảnh: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trà Vinh

Nhiều nghệ sĩ trong giới cổ nhạc hưởng ứng việc chung tay xây khu lưu niệm, tôn vinh "vua vọng cổ". Nghệ sĩ Lệ Thủy cho biết đến nay, những bài ca cổ, kịch bản của soạn giả Viễn Châu vẫn là "khuôn vàng thước ngọc" để thế hệ trẻ thể hiện đam mê cải lương. Sinh thời, ông từng trao tặng kịch bản Tình mẫu tử để bà và nghệ sĩ Minh Vương dàn dựng trong Sân khấu vàng - chương trình kêu gọi xây dựng nhà tình thương cho các hoàn cảnh khó khăn.

ban-ca-tinh-anh-ban-chieu-cua-co-nghe-si-ut-tra-on-1598766255.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8-pwvfdvIETATFfVfUeB0Q
Bản ca "Tình anh bán chiếu" của cố nghệ sĩ Út Trà Ôn

Bản "Tình anh bán chiếu" qua tiếng hát danh ca Út Trà Ôn. Video: YouTube Tuấn Trần

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội sân khấu TP HCM - cho biết soạn giả Viễn Châu từng được phong Nghệ sĩ Nhân dân trên cơ sở là danh cầm. Tuy nhiên, với tư cách soạn giả của 2.000 bài vọng cổ và 70 kịch bản, ông chưa được đánh giá đúng tầm. Đến nay, sức ảnh hưởng của Viễn Châu vẫn to lớn, mỗi năm tác phẩm của ông thường được chọn thể hiện ở các kỳ liên hoan sân khấu.

Soạn giả Viễn Châu, tên thật Huỳnh Trí Bá (1924-2016) tại huyện Trà Cú, nay là huyện Duyên Hải, Trà Vinh. Ông là cha đẻ của loạt tác phẩm kinh điển như Tình anh bán chiếu, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh, Hàn Mặc Tử, Tần Quỳnh khóc bạn, Kiếp cầm ca. Một trong những sáng tạo nghệ thuật của Viễn Châu là việc ông lập nên thể loại tân cổ giao duyên, giúp những giai điệu cổ dễ đi vào lòng người hơn.

soan-gia-vien-chau-1-9869-1720601273.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OXCHT3pxEc4EMaRxIGHZig

Soạn giả Viễn Châu thập niên 1990. Ảnh: Thanh Hiệp

Nhiều ngôi sao từng thành danh qua các sáng tác của ông như Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hùng Cường, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Phượng Liên. Ông còn là một trong bộ ba danh cầm, gồm Năm Cơ - Bảy Bá (Viễn Châu) - Văn Vỹ, nổi tiếng từ thập niên 1960 của làng nhạc cổ truyền miền Nam. Soạn giả được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012, huân chương Lao động hạng ba cho những đóng góp với đờn ca tài tử Nam bộ.

An Bình

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022