Ngày 12/8, đại diện Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cho biết mẹ bé, 33 tuổi, vào viện trong tình trạng thai 38 tuần, đau tức hạ vị từng cơn tăng dần, không ra máu, dịch âm đạo. Bác sĩ chẩn đoán chuyển dạ, phát hiện tim thai có dấu hiệu bất thường.

Sản phụ được mổ cấp cứu bắt con. Khi lấy em bé ra khỏi bụng mẹ, cả ê kíp rất bất ngờ thấy bé bị dây rốn thắt nút chặt ở tay và quấn quanh người. Các bác sĩ tháo xoắn cho em bé thoát khỏi nguy hiểm, may mắn bé gái an toàn, khỏe mạnh, nặng 2,9 kg.

4385965d4241e61fbf50-172346986-5435-2385-1723469892.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tISK_Ahsss7gUEEkdGx9GQ

Dây rốn thắt nút và cuốn ngang thân em bé. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Mai Thành Nam, Phó trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản, nói dây rốn là sự sống của thai nhi, có nhiệm vụ vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ nhau tới bào thai. Dây rốn bị thắt nút chặt vô cùng nguy hiểm, dẫn tới hệ tuần hoàn của bé bị cản trở, làm cho bé không được cung cấp lượng oxy và dinh dưỡng cần thiết gây thiếu máu não, bại não, thậm chí thai nhi tử vong trong thai kỳ hoặc khi mẹ chuyển dạ.

Thai nhi bị dây rốn thắt nút chiếm tỷ lệ 0,3-2,2% trường hợp mang thai. Tỷ lệ thai nhi tử vong do dây rốn thắt nút cao gấp 4 lần so với thai kỳ bình thường. Đặc biệt, việc chẩn đoán dây rốn thắt nút cực kỳ khó khăn, thường chỉ chẩn đoán được sau khi sinh. Trong quá trình thai nhi bị dây rốn thắt nút, người mẹ thường không có cảm nhận gì hoặc chỉ cảm giác thai nhi ít cử động nên mẹ dễ chủ quan bỏ qua.

Bác sĩ khuyến cáo trong quý ba của thai kỳ, mẹ bầu cần được theo dõi sát, kiểm tra tim thai bằng máy monitor, khám thai định kỳ để phát hiện sớm vấn đề sức khỏe và tầm soát các dị tật. Nếu thai có các dấu hiệu bất thường như quẫy đạp mạnh hoặc không đạp ở những tuần cuối, thai phụ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022