Chế độ ăn uống có liên quan chặt chẽ tới tình trạng sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe của 2 quả thận. Nếu uống quá nhiều 3 loại đồ uống dưới đây, cẩn thận bạn đang "bức tử" thận - cơ quan nắm giữ sinh mệnh của chính bản thân bạn.

3 loại đồ uống dễ gây suy hỏng thận nếu uống quá nhiều

1. Đồ uống có cồn

Theo thông tin từ Medical News Today, sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn có thể khiến thận bị tổn thương theo nhiều cách khác nhau. Thứ nhất, quá trình chuyển hóa cồn tạo ra các gốc tự do và các sản phẩm phụ có hại khác. Các yếu tố này có thể phá hỏng những đơn vị lọc máu (nephron) trong thận, từ đó làm suy giảm chức năng thận. Thứ hai, đồ uống có cồn có thể dẫn tới mất nước. Do đó, bạn sẽ khiến thận bị tổn thương nếu lạm dụng loại đồ uống này. Thứ ba, việc sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên và quá mức cũng có thể gây ra huyết áp cao. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ giải thích, huyết áp cao mạn tính có thể làm hỏng các mạch máu cung cấp máu cho các nephron, cuối cùng làm suy giảm chức năng thận.

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ, thường xuyên uống nhiều đồ uống có cồn - hơn 4 ly mỗi ngày - có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ bị suy thận. Đặc biệt, những người này nếu có thêm thói quen hút thuốc, nguy cơ mắc các vấn đề về thận sẽ còn cao hơn nữa.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, ngưỡng tiêu thụ cồn an toàn là không quá 2 ly/ngày với nam giới và không quá 1 ly/ngày với nữ giới. Một ly ở đây tương đương với 350ml bia, 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh.

2. Đồ uống có đường

ec2a9827a8691dd37a8a4676a2250079y29udgvudhnlyxjjagfwaswxnjgwodaxmdkx-223630426-17234452418301271221648-1723471625556-1723471626245907861843.jpg

Hạn chế đồ uống có đường là một trong những cách bảo vệ thận (Ảnh: Independent)

Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, tiêu thụ quá nhiều đường làm tăng nguy cơ béo phì, huyết áp cao và tiểu đường. Trong đó, huyết áp cao và tiểu đường là 2 nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh thận.

Các loại đồ uống có đường, bao gồm cả đường ăn kiêng hoặc đường tự nhiên trong các loại nước ép trái cây đều có thể gây hại cho thận nếu như bạn thường xuyên tiêu thụ ở mức quá nhiều.

3. Đồ uống có ga

Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có ga có liên quan đến bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và sỏi thận. Tất cả các yếu tố này đều làm tăng nguy cơ suy thận.

Đồ uống có ga có chứa axit photphoric, có thể làm thay đổi thành phần nước tiểu, thúc đẩy sự hình thành sỏi thận và dẫn tới suy thận mạn tính. Việc uống 2 lon đồ uống có ga trở lên mỗi ngày được cho là có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Nhận biết dấu hiệu khi thận bị suy hỏng

kindney-stages-gettyimages-1257900987-0de11c85abb046a1a8dac630eb160cfb-1723445278247916866410-1723471628012-1723471628284143041425.jpg

Có nhiều dấu hiệu nhận biết thận suy hỏng (Ảnh: Getty)

Theo Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ, khi thận bị suy hỏng, cơ thể sẽ phát ra những "tín hiệu" sau đây:

1. Mệt mỏi, khó tập trung

Khi chức năng thận bị suy giảm, độc tố và tạp chất có thể bị tích tụ lại trong máu. Điều này có thể dẫn tới các triệu chứng như mệt mỏi, kiệt sức và khó tập trung. Ngoài ra, một biến chứng khác của bệnh thận là thiếu máu cũng có thể gây ra các biểu hiện trên.

2. Gặp vấn đề về giấc ngủ

Khi chức năng lọc của thận bị ảnh hưởng, chất độc sẽ ở lại trong máu thay vì được đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Điều này có thể dẫn đến khó ngủ, mất ngủ.

3. Khô và ngứa da

Da khô và ngứa có thể là dấu hiệu cho thấy chất độc đang tích tụ quá nhiều trong máu do chức năng thận bị suy giảm.

4. Đi tiểu thường xuyên hơn

Đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt vào ban đêm, có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Khi bộ lọc của thận bị tổn thương có thể làm gia tăng nhu cầu đi tiểu.

5. Tiểu ra máu

Khi thận khỏe mạnh, trong quá trình lọc máu, thận sẽ giữ lại các tế bào máu trong cơ thể. Tuy nhiên, khi chức năng lọc của thận có vấn đề, tế bào máu có thể bị "rò rỉ" ra nước tiểu.

6. Nước tiểu có nhiều bọt

Protein trong nước tiểu là dấu hiệu sớm cho thấy bộ lọc của thận đã bị tổn thương, khiến protein rò rỉ vào nước tiểu và khiến nước tiểu có nhiều bọt.

7. Sưng, phù bàn chân

Chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến tình trạng giữ natri, gây sưng ở bàn chân và mắt cá chân.

8. Chán ăn

Sự tích tụ độc tố do suy giảm chức năng thận có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới chán ăn.

9. Chuột rút

Sự mất cân bằng điện giải có thể là kết quả của suy giảm chức năng thận và dẫn tới triệu chứng chuột rút.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022