Kiến nghị được cử tri tỉnh Phú Yên đưa ra khi phản ánh vấn đề liên quan lĩnh vực y tế trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, trong bối cảnh ung thư đang trở thành gánh nặng với bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận khoảng 182.600 ca mắc mới và hơn 122.000 người tử vong vì ung thư. Năm 2023, chi phí của 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ Quỹ BHYT là 6.186 tỷ đồng.

Chi phí điều trị trung bình của một bệnh nhân ung thư khoảng trên 176 triệu đồng mỗi năm, theo thống kê của Bệnh viện K Hà Nội. Các ca nặng, phức tạp, số tiền có thể gấp nhiều lần. Với nhóm bệnh nhi, dù được BHYT hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần, gia đình các em vẫn khó tránh khỏi "thảm họa tài chính".

Trả lời vấn đề này hôm 12/8, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế, người bệnh được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo phạm vi quyền lợi, áp dụng chung cho tất cả đối tượng, không phân biệt mức độ nặng của bệnh. Hiện nay, nhiều bệnh hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn đã được Quỹ BHYT thanh toán với tỷ lệ chi trả cao, nhiều trường hợp được thanh toán đến 100%.

Mức đóng BHYT tại Việt Nam còn thấp, nhưng phạm vi quyền lợi đã được mở rộng hơn rất nhiều quốc gia có mức đóng và điều kiện kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi quyền lợi phải bảo đảm khả năng cân đối Quỹ và tiếp cận công bằng, bình đẳng của người tham gia BHYT.

"Với điều kiện hiện nay, việc thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh cho nhóm mắc bệnh hiểm nghèo sẽ ảnh hưởng lớn đến cân đối Quỹ, đồng thời tác động đến việc chi trả BHYT cho nhiều người bệnh khác. Lý do là các thuốc, kỹ thuật... chữa bệnh hiểm nghèo có chi phí lớn", Bộ trưởng cho biết.

Bà Lan cũng nhìn nhận đa phần người mắc bệnh hiểm nghèo, chạy thận nhân tạo đều trong hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh chi trả của Quỹ BHYT, cần huy động sự hỗ trợ từ ngân sách, các nhà hảo tâm để đồng chi trả cho người bệnh.

Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ người bệnh nghèo đã được ban hành. Như Nghị định số 75/2023 của Chính phủ quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trong việc quyết định đối tượng được hỗ trợ và mức hỗ trợ đồng chi trả cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh. Theo đó, UBND tỉnh có thể căn cứ vào điều kiện của địa phương để quy định mức hỗ trợ phần đồng chi trả còn lại cho người mắc bệnh hiểm nghèo. Cùng đó, Bộ Y tế đã phê duyệt một số chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho người mắc bệnh hiểm nghèo.

Bà Lan cho biết tới đây Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng BHYT để tăng nguồn kinh phí cho Quỹ BHYT. Theo quy định, mức đóng BHYT hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Hiện nay, mức đóng BHYT là 4,5%. Người tham gia có mức hưởng khác nhau: 80-95% và 100% trong phạm vi được hưởng.

1-jpeg-2282-1723519811.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QKwZbQrKB_pe0cO_l0NkUg

Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: Phùng Tiên

Cũng liên quan đến vấn đề ung thư, cử tri tỉnh Bình Định cho biết hiện đa số thuốc điều trị ung thư ở bệnh viện công không có trong danh mục bảo hiểm, bệnh nhân tự mua thuốc, "người lao động bị bệnh đã khó khăn giờ khó khăn hơn". Vì vậy, kiến nghị Bộ Y tế đưa thêm các loại thuốc điều trị ung thư vào danh mục BHYT nhằm hỗ trợ hơn nữa các nhóm tham gia bảo hiểm.

Trước kiến nghị này, Bộ trưởng Lan cho biết hiện Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia có danh mục thuốc BHYT tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với mức phí đóng. Theo Thông tư số 20/2022, Bộ Y tế đã ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Danh mục này bao gồm 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, được chia thành 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu. Đặc biệt, trong đó, 76 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch.

"Điều này cho thấy sự quan tâm của Bộ Y tế trong việc bảo đảm quyền lợi của người bệnh ung thư", Bộ trưởng Lan cho biết.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc BHYT tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng và dạng bào chế, tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám, chữa bệnh không bị giới hạn.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rà soát, cập nhật danh mục thuốc hợp lý, tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả, phòng chống lạm dụng, trục lợi, lãng phí Quỹ để có điều kiện tăng phạm vi chi trả đối với các thuốc, vật tư, dịch vụ kỹ thuật có chi phí lớn. Việc này giúp giảm khó khăn cho người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo.

Đồng thời, Bộ đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư quy định về việc thanh toán trực tiếp chi phí thuốc và thiết bị y tế cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc do những nguyên nhân khách quan, đảm bảo quyền lợi và nhu cầu điều trị của người tham gia BHYT.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022