UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 11/8 công bố dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát sau khi nơi này ghi nhận ba ca dương tính và 34 F1. Đây là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch bạch hầu.

Giải thích về lý do công bố dịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng, cho biết thị trấn Mường Lát - nơi phát sinh ổ dịch bạch hầu "đáp ứng các điều kiện" theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B như bệnh bạch hầu thì một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch và cần được công bố rộng rãi - khi số người mắc bệnh vượt quá số ca mắc trung bình của tháng cùng kỳ trong ba năm. Thống kê của cơ quan y tế, trong ba năm qua tại thị trấn Mường Lát không có ca mắc bạch hầu, do đó giới chức xác định đủ điều kiện công bố dịch. Thẩm quyền ban bố tình hình dịch bệnh trong trường hợp này thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh.

"Việc công bố dịch bạch hầu ở thị trấn Mường Lát đã được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh gây hoang mang cho người dân", TS Hoàng Bình Yên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Thanh Hóa, nói, thêm rằng việc công bố dịch không phải do diễn biến ổ dịch nâng cấp ở mức nguy hiểm hay phức tạp hơn trước.

bach-hau-jpeg-2952-1723459333.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OEtgwnbqvnXogX8HXvvSwg

Nhân viên y tế phun khử khuẩn ở các khu vực có nguy cơ lây bệnh bạch hầu. Ảnh: Lam Sơn

Ngoài đáp ứng các điều kiện quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, một lý do khác để chính quyền Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu là nhằm cấp ngân sách chi cho việc mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng dịch và chi trả kinh phí hỗ trợ cho khoảng 200 nhân viên y tế, cán bộ chính quyền các cấp và nhiều lực lượng khác tham gia phòng chống dịch thời gian qua.

Giám đốc CDC Thanh Hóa Hoàng Bình Yên cho biết thêm, ổ dịch tại thị trấn Mường Lát đến nay cơ bản được khoanh vùng, khống chế do làm tốt các khâu điều trị, cách ly, truy vết...

Đến chiều 12/8, sức khỏe ba ca bệnh đã ổn định, tiến triển tốt. 34 F1 được cách ly, theo dõi tại nhà, không có triệu chứng bất thường. Theo ông Yên, nếu sau 14 ngày (tính từ ca bệnh đầu tiên) không ghi nhận thêm ca mắc mới, thị trấn Mường Lát sẽ được công bố hết dịch.

Ngày 5/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thanh Hóa phát hiện ca bạch hầu đầu tiên là thai phụ 17 tuổi. Ba ngày sau, một bé trai 10 tuổi và cụ bà 74 tuổi, là người thân của thai phụ cũng dương tính.

Đây là ổ dịch bạch hầu đầu tiên trong năm tại tỉnh Thanh Hóa. Giới chức chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thai phụ, do đó nhận định tình hình dịch bạch hầu tại khu phố Đoàn Kết diễn biến phức tạp. Ngoài ra, kết quả tiêm chủng các năm gần đây của Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng dịch Covid-19 và khan hiếm vaccine có thành phần bạch hầu.

Một tuần qua, ngoài phun khử khuẩn, cách ly, giám sát ổ dịch, ngành y tế Thanh Hóa đã cho gần 800 người uống thuốc kháng sinh dự phòng và hơn 200 người tham gia phòng dịch. UBND huyện Mường Lát đang đề xuất cấp bổ sung 25.000 liều vaccine bạch hầu - uốn ván giảm liều (Td) để tiêm phòng cho nhóm nguy cơ và nguy cơ cao tại thị trấn Mường Lát và ba xã giáp ranh.

Bộ Y tế hồi tháng 7 khuyến cáo bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 5 ca bạch hầu, trong đó một trường hợp tử vong là nữ sinh 18 tuổi ở Nghệ An.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác. Triệu chứng bệnh chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng.

Lê Hoàng

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022