Reuters trích số liệu từ các cơ quan hải quan cho thấy khoảng 2,3 tỷ USD tiền giấy đôla Mỹ và euro đã được vận chuyển sang Nga từ tháng 3/2022 đến 12/2023. Tiền được chuyển đến nước này thông qua nhiều nước, trong đó có UAE và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia này không áp đặt lệnh hạn chế thương mại với Moskva sau chiến sự tại Ukraine.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm xuất khẩu tiền giấy sang Nga từ tháng 3/2022. Chính quyền tổng thống Putin cũng gọi đồng euro và USD là "độc hại", sau khi Mỹ và EU công bố hàng loạt lệnh trừng phạt, loại nước này khỏi hệ thống tài chính, thanh toán và thương mại toàn cầu. Khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga tại châu Âu đã bị phong tỏa.

Số liệu cho thấy lượng nhập khẩu tiền mặt tăng vọt ngay trước khi chiến sự nổ ra. Trong 4 tháng (11/2021-2/2022), gần 19 tỷ USD đồng bạc xanh và euro đã được đưa vào Nga. Trước đó, con số này chỉ là 17 triệu USD.

usd-euro-reuters-2459-1723455441.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KGCf-CybrEWoS1Q324anFA

Tiền giấy USD và euro vẫn tìm được đường vào Nga. Ảnh: Reuters

Theo Daniel Pickard - Giám đốc ngoại thương tại hãng luật Buchanan Ingersoll & Rooney (Mỹ), diễn biến này cho thấy một số người Nga muốn tránh rủi ro từ lệnh trừng phạt. "Mỹ và các đồng minh biết tầm quan trọng của việc hợp tác hành động để tối đa hóa hậu quả kinh tế. Nhưng Nga cũng biết cách né tránh và giảm thiểu các hậu quả này", Pickard nói. Ông thậm chí cho rằng con số thực tế còn lớn hơn dữ liệu trong giấy tờ.

Sau chiến sự, Ngân hàng Trung ương Nga đã nhanh chóng hạn chế việc ngoại tệ rời khỏi đất nước, nhằm hỗ trợ đồng ruble. Theo số liệu, chỉ khoảng 98 triệu USD đôla Mỹ và euro rời Nga trong giai đoạn từ tháng 2/2022 đến 12/2023.

Ngược lại, số ngoại tệ chảy vào lại cao hơn nhiều. Công ty nhập lớn nhất là một doanh nghiệp không mấy tên tuổi là Aero-Trade, đơn vị kinh doanh sản phẩm miễn thuế tại các sân bay và chuyến bay ra nước ngoài. Họ nhập tới 1,5 tỷ USD ngoại tệ trong thời gian này.

Các giao dịch được xử lý tại sân bay quốc tế Domodedovo ở Moskva. Công ty này đã nhận 73 lô ngoại tệ, mỗi lần 20 triệu USD. Theo tờ khai hải quan, đây là các khoản đổi tiền hoặc doanh thu từ hoạt động thương mại trong nước.

Các ngân hàng Nga cũng nhập 580 triệu USD giai đoạn này, chủ yếu là doanh thu từ bán kim loại quý như vàng hay bạc, nguồn tin của Reuters cho biết. Ví dụ, ngân hàng Vitabank nhập 64,8 triệu USD tiền giấy từ công ty kinh doanh vàng Thổ Nhĩ Kỳ Demas Kuyumculuk vào năm 2022 và 2023. Trong thời gian đó, Vitabank xuất khẩu 59,5 triệu USD vàng và bạc cho Demas Kuyumculuk.

Nguồn tin của Reuters từ Demas xác nhận công ty đã tham gia vào một loạt giao dịch đổi tiền mặt lấy vàng liên quan đến Vitabank và hai ngân hàng khác của Nga trong khoảng thời gian tháng 3/2022-9/2023. Người này cho biết việc chuyển tiền giấy từ UAE sang Nga là cách hợp pháp duy nhất mà Demas nghĩ ra để hoàn thành các hợp đồng dài hạn được ký trước khi lệnh trừng phạt của phương Tây có hiệu lực. Quý III năm ngoái, khi hoàn thành hết các hợp đồng này, họ đã chấm dứt thương mại song phương.

Người phát ngôn của EU khẳng định họ luôn làm việc với các nước thứ ba khi nghi ngờ có hoạt động lách trừng phạt. Chính phủ Mỹ hồi cuối 2023 đe dọa có biện pháp với các tổ chức tài chính lách lệnh trừng phạt. Họ cũng áp trừng phạt lên nhiều doanh nghiệp thuộc các nước thứ ba trong năm 2023 và 2024.

Số liệu của Reuters chưa từng được công bố trước đây. Việc này cho thấy Nga vẫn tìm được cách lách lệnh trừng phạt và USD, euro vẫn là công cụ cần thiết trong thương mại và du lịch, dù Moskva đã giảm phụ thuộc vào các tiền tệ này.

Vài năm qua, nhân dân tệ đã thay USD thành ngoại tệ được giao dịch nhiều nhất tại Moskva. Tuy nhiên, các vấn đề về thanh toán vẫn tồn tại. Dmitry Polevoy - Giám đốc Đầu tư tại Astra Asset Management cho biết nhiều người Nga vẫn muốn cầm ngoại tệ khi ra nước ngoài, tiết kiệm hoặc nhập khẩu lượng nhỏ hàng hóa.

"Với các cá nhân, đôla Mỹ vẫn là tiền tệ đáng tin cậy", ông khẳng định.

Hà Thu (theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022