Hiện vật được phát hiện trong lớp đào thứ 3-4 của hố H1, nằm tại phía Đông Bắc, cách điện Kính Thiên - trung tâm Hoàng thành Thăng Long khoảng 100 m. Hồi đầu năm, mô hình được Thủ tướng ký quyết định là bảo vật quốc gia.
Hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa cho biết mô hình có niên đại thế kỷ 15, được làm bằng chất liệu đất nung phủ men, có chiều cao tổng thể 16,8 cm. Bảo vật hiện chỉ còn một phần bộ mái và bộ khung kết cấu của công trình hoàn thiện. Trong đó hệ cột có bốn cột cái, 12 cột quân (cột hiên); hệ xà gồm câu đầu, xà thượng, xà hạ; hệ đấu củng có đấu, củng, ang và xà vuông.
Một phần mô hình. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa
Sự phân bố của cột cho thấy kiến trúc có mặt bằng hình chữ nhật, chiều dài mái lớn là 35,1 cm, mái nhỏ dài 32,6 cm. Những cột cái và ba cột quân tương ứng ở mỗi góc tạo thành một hình vuông, đảm bảo cho kết cấu bộ khung khớp với nhau. Các cột cách nhau không đều do ảnh hưởng của việc nung đốt.
Bộ mái đầy đủ của mô hình là cấu trúc hai tầng, tám mái chồng diêm. Phần tìm thấy chỉ còn tầng mái thứ nhất. Đầu dư phía ngoài của xà hiên được trang trí hình đầu rồng, miệng ngậm ngọc.
Chú thích kết cấu mô hình. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa
Bảo vật được sản xuất thành từng cấu kiện, sau đó ráp lại thành một công trình hoàn chỉnh trước khi phủ men và đưa vào nung. Ngoài dùng đất, nghệ nhân sử dụng tăm tre hoặc gỗ rất nhỏ để liên kết chúng.
Trên đầu ngói dương trang trí hình bông hoa nhiều cánh, ở thực tế thường là hoa sen hoặc cúc. Những trang trí thể hiện trên cả hệ đấu củng góc, trụ và gian.
Theo hồ sơ của Cục Di sản Văn hóa, chưa có hiện vật nào tương tự mô hình kiến trúc thời Lê sơ, Hoàng thành Thăng Long được tìm thấy và công bố. Điều này khẳng định tính độc bản của hiện vật.
Về mặt hình thái, bảo vật có nhiều nét tương đồng với kiến trúc gác chuông chùa Keo (Thái Bình). Điểm khác biệt là cung điện thời Lê Sơ dùng đấu củng để chịu lực chính, trong khi ở công trình gác chuông chùa Keo, hệ thống này chủ yếu mang tính trang trí. Kỹ thuật đấu củng do người Trung Quốc phát minh, có khả năng chịu tải tốt nhờ cấu trúc lắp đặt các khớp mà không dùng chiếc đinh nào.
Tại tọa đàm Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ hồi tháng 5/2022, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Minh Trí cũng chỉ ra trên những đồ gốm giai đoạn này có các hình vẽ về kiến trúc đấu củng, được mô tả sinh động với nhiều tầng mái. Qua đó cho thấy cung điện thời Lê sơ vẫn duy trì sử dụng đấu củng làm kết cấu công trình, thể hiện tính biểu tượng và đẳng cấp.
Ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết bảo vật cung cấp luận cứ làm sáng tỏ công năng của những cấu kiện gỗ sơn son, thếp vàng được tìm thấy trong các hố khai quật tại khu vực điện Kính Thiên những năm gần đây. Phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín - chủ tịch Hội Khảo cổ học - từng nhận định: ''Mô hình lần đầu cung cấp một số chi tiết quan trọng của kiến trúc cung đình thời Lê sơ".
Mô hình cung điện thời Lê sơ nhìn từ góc khác. Ảnh: Cục Di sản Văn hóa
Phương Linh Ảnh: Cục Di sản Văn hóa