Mức cảnh báo cao nhất

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triệu tập cuộc họp chuyên gia vào ngày 14/8 để đánh giá tình hình bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi và quyết định cần phải ban bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh này.

dau-mua-khi-17236837762881256860597-1723691330378-172369133060368154023.jpg

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus lây truyền sang người từ động vật bị nhiễm bệnh nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc vật lý gần.

Cuộc họp có sự tham gia của 16 chuyên gia quốc tế, diễn ra sau khi cơ quan giám sát y tế của Liên minh châu Phi (AU) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cấp châu lục vì đợt bùng phát đang lan mạnh.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp CHDC Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác.

Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu là mức cảnh báo cao nhất của WHO và cho phép đẩy mạnh nghiên cứu, hỗ trợ tài chính và thực hiện các biện pháp cũng như hợp tác y tế quốc tế để kiềm chế dịch bệnh.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: "Rõ ràng cần phải có phản ứng quốc tế để chấm dứt các dịch bệnh này và cứu thêm nhiều mạng sống".

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus lây truyền sang người từ động vật bị nhiễm bệnh nhưng cũng có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc vật lý gần. CHDC Congo là nơi đầu tiên loại virus gây bệnh đậu mùa được phát hiện ở người vào năm 1970.

Bệnh gây sốt, đau nhức cơ và tổn thương da lớn giống như nhọt. Hiện, các chuyên gia WHO khuyến nghị sử dụng 2 loại vaccine phòng bệnh đậu mùa để tiêm phòng.

Đợt bùng phát mới khó phát hiện và nguy hiểm hơn

Đây là lần thứ hai WHO ra cảnh báo khẩn cấp toàn cầu vì bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.

Trước đó, WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng kéo dài từ tháng 7/2022 đến tháng 5/ 2023 sau khi số ca nhiễm đậu mùa khỉ tăng vọt trên toàn thế giới, chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới đồng tính và song tính, đa phần do biến thể 2b gây ra.

Đợt bùng phát này đến nay hầu như đã lắng dịu nhưng cũng đã gây ra khoảng 140 ca tử vong trong số khoảng 90.000 ca mắc.

Trong đợt bùng phát mới, theo báo cáo tuần trước của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), mpox hiện được phát hiện ở ít nhất 13 quốc gia châu Phi.

Số ca mắc tăng 160% và số ca tử vong tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái - CDC châu Phi cho biết.

Cụ thể, kể từ đầu năm 2024, CDC châu Phi thống kê, có hơn 17.000 ca mắc đậu mùa khỉ và hơn 500 người chết được báo cáo từ 13 quốc gia tại lục địa đen.

Hơn nữa, đầu năm nay, các nhà khoa học đã báo cáo về sự xuất hiện của dạng mpox mới ở một thị trấn khai thác mỏ tại CHDC Congo, có thể cướp đi sinh mạng của 10% số người mắc và lây lan dễ dàng hơn.

Khác với các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trước đây, các tổn thương chủ yếu xuất hiện ở ngực, tay và chân, dạng mpox mới gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và tổn thương ở bộ phận sinh dục.

Do đó, việc phát hiện khó khăn hơn, có nghĩa là người bệnh cũng có thể lây cho người khác mà không biết mình đã bị nhiễm bệnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022