tiem-vaccine-soi-bv-nhi-dong-1-84678949380392214149007-52274473867812480263841-25744273691635558758606-1725008407988-1725008408772167002751.jpg

Tiêm vaccine sởi cho bệnh nhi đang nằm viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Khi bệnh sởi bắt đầu có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 6 năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã kích hoạt kế hoạch chống dịch đã ban hành từ đầu năm. Trong đó, việc chuẩn bị thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị… thường xuyên được kiểm tra về số lượng, chủng loại và được bổ sung kịp thời khi thấy nguồn dự trữ giảm vì Bệnh viện Nhi đồng 1 đôi khi còn phải "chi viện" cho các bệnh viện tỉnh trong mạng lưới nhi khu vực phía Nam.

Tính từ đầu năm 2024, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận và điều trị cho 368 bệnh nhi mắc bệnh sởi. Trong đó, gần 2/3 trường hợp đến từ các tỉnh phía Nam, 24,5% có bệnh nền và hơn 50% dưới 12 tháng. Đặc biệt, có 42 bệnh nhi (11,4%) có biến chứng nặng phải nằm hồi sức và 84,6% bệnh nhi nặng chưa được tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên, với cách tiếp cận hợp lý, kế hoạch rõ ràng và nỗ lực của toàn thể nhân viên bệnh viện đã điều trị hiệu quả và không có bệnh nhi nào tử vong.

  • avatar1724901056677-17249010569611509837712.jpg

    TP.HCM công bố dịch sởi: Bác sĩ chỉ ra 6 đối tượng cần tiêm phòng vắc xin

Vitamin A liều cao, globuline miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) và một số thuốc khác là những thuốc cần được trang bị để điều trị bệnh sởi ở trẻ em, đặc biệt là bệnh sởi có biến chứng nặng đã được dự trù từ đầu năm. Ngoài ra, dopamin là một loại thuốc vận mạch được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị sốc, trụy mạch do bệnh sốt xuất huyết hoặc một số bệnh lý ở trẻ sơ sinh. Thuốc này cũng được dự trữ từ đầu năm, tuy nhiên đến 15/8/2024 đã hết hạn dùng. Được biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã liên hệ với nhà cung cấp và sẽ được cung ứng trong tháng 9 năm 2024.

Trong thời gian chờ dopamin, bệnh viện đã chủ động sử dụng thuốc khác có tác dụng tương tự để thay thế. Vì vậy, việc chậm cung ứng dopamin trong thời gian này không ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh sởi hoặc những bệnh lý khác cần sử dụng dopamin như sốt xuất huyết nặng…

Từ khi phát hiện trường hợp bệnh sởi đầu tiên, Ban Chỉ đạo chống dịch của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã đến tận giường bệnh để xem xét, đánh giá nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân ở cùng phòng, kiểm tra tình trạng tiêm chủng sởi và các vaccine khác cho tất cả bệnh nhân đồng thời tổ chức tiêm ngừa vaccine sởi cho những bệnh nhi chưa tiêm đủ vaccine khuyến cáo theo từng lứa tuổi. Đặc biệt, bệnh viện đã bảo vệ nhóm bệnh nhi mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, ung thư… trước nguy cơ mắc bệnh sởi khi các trẻ này tiếp xúc với nguồn lây bằng cách truyền IVIG để tạo miễn dịch tạm thời cho các cháu trong thời gian chờ bệnh ổn định để tiêm ngừa vaccine.

Với cách làm này, nhiều bệnh nhi mắc bệnh mạn tính có sức đề kháng yếu đã "thoát khỏi" bệnh sởi một cách ngoạn mục. Nếu các bệnh nhi có bệnh nền này chẳng may mắc bệnh sởi thì nguy cơ biến chứng nặng, điều trị khó khăn.

Ngoài những hoạt động chống dịch tại bệnh viện như khám sàng lọc, phân luồng, cách ly, phòng chống lây nhiễm chéo, tiêm vaccine, IVIG… việc hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới và thường xuyên giao ban qua hệ thống Telehealth với gần 300 điểm cầu đã được triển khai từ nhiều năm nay. Nhờ vậy, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam, từ đó có kế hoạch hỗ trợ, ứng phó một cách chủ động và kịp thời. Nhiều hoạt động đã được triển khai qua hệ thống này như huấn luyện, bình bệnh án, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị. Đặc biệt, hoạt động hội chẩn từ xa đã giúp cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng vượt khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh và nếu chuyển viện thì chắc chắn sẽ tử vong trên đường đi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022