Mai Xuân Bách, 22 tuổi, là sinh viên ngành Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, chương trình học bằng tiếng Anh.

Nam sinh nói rất coi trọng việc học từ ngày phổ thông nên dù không đặt mục tiêu cụ thể về điểm số, Bách luôn cố gắng làm tốt nhất có thể.

"Khi được thông báo là thủ khoa, mình rất vui, cảm thấy rằng sự cố gắng đã có kết quả", Bách chia sẻ.

Mai-Xuan-Bach-7370-1724524453.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f9fjJagaN6paoObMsFvGfQ

Xuân Bách trong ngày tốt nghiệp, hôm 24/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bách là cựu học sinh trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Bốn năm trước, Bách chưa biết nhiều về Khoa học dữ liệu, song được gia đình tư vấn rằng đây là ngành nhiều tiềm năng phát triển. Nghe nói ngành này liên quan nhiều tới Toán - môn học yêu thích, Bách quyết định đăng ký với gần 27 điểm ba môn tốt nghiệp.

Chương trình học có 40 môn, chỉ 5 môn được dạy bằng tiếng Việt như Lịch sử, Triết học..., còn lại đều bằng tiếng Anh. Bách lúng túng khi phải thay đổi để thích nghi với môi trường, phương pháp học.

May mắn là trong năm đầu, sinh viên chủ yếu học các môn bằng tiếng Việt cùng 6 học phần tiếng Anh tăng cường... Điều này giúp nam sinh có quãng thời gian "chạy đà", làm quen và cải thiện khả năng ngoại ngữ.

Bách nhìn nhận việc học bằng tiếng Anh đã thay đổi đáng kể cách tư duy và thói quen tìm tài liệu. Ngày trước, nam sinh hiếm khi tra cứu tài liệu nước ngoài, nhưng nay từ giáo trình tới bài giảng của thầy cô đều bằng tiếng Anh nên Bách phải tập thói quen nghĩ bằng ngôn ngữ này trước.

"Khi tìm bất kể tài liệu gì, mình cũng ưu tiên nguồn bằng tiếng Anh", Bách cho hay.

Chàng trai Hà Nội thấy hứng thú với ngành học nhiều hơn vào năm thứ hai, khi được học các môn về lập trình. Môn mà nam sinh thích nhất là "Chuẩn bị dữ liệu và trực quan hóa". Sinh viên được học cách sử dụng ngôn ngữ lập trình để xử lý dữ liệu, sau đó thể hiện bằng biểu đồ hoặc các hình thức khác để dữ liệu trực quan hơn.

Để hiểu và nhớ bài lâu, Bách chú trọng làm bài tập sớm. Bách thấy nếu có thể làm hết và thành thạo những dạng bài mà thầy cô giao, sinh viên đã nắm được gần như toàn bộ những gì cần học để đi thi. Do đó, tới mỗi đợt thi, nam sinh không quá chật vật, chủ yếu đọc lại kiến thức và các dạng bài.

NCKH-JPG-7672-1724524454.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sU4i9VNCgf-YH_dZdvTc5Q

Bách cùng nhóm nghiên cứu và giảng viên hướng dẫn nhận giải thưởng nghiên cứu khoa học Eureka, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Song song với học, Bách nhận dạy Toán cho học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT, mỗi tuần 2-3 buổi. Với Bách, việc này không chỉ là một công việc đem lại thu nhập, mà còn giúp bản thân duy trì kiến thức, truyền sự yêu thích Toán học cho đàn em.

Khi đã có nền tảng kiến thức chuyên ngành, Bách tham gia các dự án, cuộc thi về lập trình và dữ liệu. Ngoài bốn nghiên cứu khoa học, nam sinh tâm đắc nhất với thành tích vào top 4% thế giới tại WiDS Datathon 2023 - cuộc thi dành cho sinh viên trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Ở đó, tất cả đội thi phải xây dựng mô hình học máy để dự đoán thời tiết cực đoan tại một địa điểm cho trước. Khi được cọ xát thực tế, Bách càng thấy ý nghĩa khi những nghiên cứu, sản phẩm mình làm ra giúp giải quyết vấn đề cụ thể.

Đây là lý do nam sinh lựa chọn đề tài tốt nghiệp là xây dựng mô hình chuyển đổi văn bản tiếng Việt không dấu thành có dấu. Từ khi cộng tác cho một ngân hàng vào tháng 9/2023, Bách nhận thấy nội dung của khoảng 30-40% giao dịch được ghi không dấu. Trong khi đó, những mô hình hiện tại phục vụ cho hoạt động ngân hàng chủ yếu xử lý dữ liệu tiếng Anh, hoặc tiếng Việt có dấu.

Chàng trai Hà Nội nhận định nếu có công cụ chuyển đổi tiếng Việt không dấu thành có dấu, ngân hàng sẽ khai thác, phân tích chi tiết hơn nhu cầu khách hàng, giúp cải thiện dịch vụ và đưa ra sản phẩm phù hợp hơn.

Bách dành 6 tháng cho đề tài này. Theo Bách, cái khó nhất của quá trình học là chỉ được tiếp cận những tệp dữ liệu mô phỏng, hoặc dữ liệu thật đã bị ẩn thông tin cá nhân. Vì vậy, để đủ dữ liệu xây dựng mô hình, Bách mất nhiều thời gian - khoảng hai tháng, để thu thập, xin phép sử dụng các dữ liệu có bản quyền.

Lúc này, Bách đã đi làm, nên tập trung làm khóa luận vào buổi tối. Giai đoạn nước rút, nam sinh phải xin nghỉ ngày thứ 2 và 6 để "dồn toàn lực" cho dự án. Bách thấy mình may mắn vì có công ty hỗ trợ, các anh, chị hướng dẫn và giải đáp nhiều thắc mắc.

Kết quả, Bách nhận điểm 10 cho khóa luận tốt nghiệp. Nam sinh đang chỉnh sửa, tối ưu hóa chi phí và hiệu quả của mô hình, với mong muốn được thử nghiệm tại ngân hàng mà mình đang làm việc.

Bao-ve-de-tai-tn-JPG-8084-1724524454.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Dj35wAkHoGC6uzBwEJnm0w

Bách trong buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tuấn, giảng viên khoa Toán kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từng dạy Bách nhiều môn chuyên ngành cũng như hướng dẫn nam sinh thực hiện một số dự án tại phòng nghiên cứu của trường.

Thầy Tuấn ấn tượng về Bách từ lần đầu bởi dáng vẻ thư sinh, chỉn chu và lễ phép. Trong quá trình giảng dạy, thầy thấy Bách chăm chỉ, nghiêm túc, có kiến thức rộng cùng tư duy logic, phân tích nhanh nhạy.

"Bách có năng lực vượt trội, không chỉ hoàn thành tốt việc được giao, mà còn chủ động nghiên cứu, đề xuất những ý tưởng sáng tạo, mang tính thực tiễn cao", thầy Tuấn nói. "Bách phù hợp theo đuổi công việc liên quan đến phân tích và khoa học dữ liệu, điều phối các dự án lớn".

Về phía Bách, nam sinh thấy mình học được nhiều trong bốn năm qua, đặc biệt là tư duy phản biện, nhìn nhận vấn đề ở nhiều hướng. Bách dự kiến tiếp tục làm chuyên viên xây dựng mô hình rủi ro ở ngân hàng, có thể cân nhắc học thạc sĩ.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022