Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 23/8 cho biết thông tin trên.

Việc này xuất phát từ đề nghị của 9 địa phương, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Bắc Giang, Bình Thuận và Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là những nơi đào tạo môn Tiếng Nhật ở bậc phổ thông.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trước đó có 12 môn, là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc.

Theo quy chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyền điều chỉnh số môn thi. Thông thường, một môn mới được đưa vào khi có ít nhất 5 đơn vị đăng ký trở lên. Học sinh đạt giải quốc gia được Bộ cấp giấy chứng nhận và xét tuyển thẳng vào đại học. Ngoài ra, hầu hết địa phương có chính sách khen thưởng với mức 10-100 triệu đồng, tùy thành tích.

hoc-tieng-nhat-jpeg-1724406498-3782-1724406554.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jj6ZGREdstwekHfT-cxd6Q

Một lớp học tiếng Nhật. Ảnh: Trung tâm tiếng Nhật Kosei

Năm học vừa qua, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT có hơn 5.800 thí sinh đến từ 70 đoàn. Mỗi đơn vị được cử tối đa 10 thí sinh ở mỗi môn, riêng TP HCM và Hà Nội là 20.

Gần 3.360 em đạt giải, chiếm tỷ lệ 55,79%. Mức này tăng 6% so với năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức 60% tổng thí sinh như trong quy chế mới. 10 tỉnh, thành dẫn đầu về số giải gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nam Định.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết kỳ thi nhằm động viên, khuyến khích người dạy và học phát huy năng lực sáng tạo, góp phần thúc đẩy và cải thiện chất lượng giáo dục. Qua đây, Bộ tuyển chọn học sinh để bồi dưỡng, tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022