Hai trường mới được công nhận, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo là Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và Đại học Văn Lang (TP HCM).

9 trường còn lại là Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); Bách khoa Hà Nội, Xây dựng Hà Nội; Tôn Đức Thắng; Kinh tế TP HCM; Anh quốc Việt Nam; trường Đại học Quốc tế, Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM).

Các trường này đạt kiểm định của 5 tổ chức nước ngoài. Trong đó, nhiều nhất là HCERES - Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp. Kế đến là AUN-QA - Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN.

Danh sách trường cùng tổ chức đánh giá và kiểm định như sau:

TT Trường Tên tổ chức đánh giá và kiểm định
1 Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) HCERES (Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp)
AUN-QA (Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN)
2 Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) HCERES
3 Đại học Bách khoa Hà Nội HCERES
4 Đại học Xây dựng Hà Nội HCERES
5 Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) AUN-QA
6 Đại học Tôn Đức Thắng HCERES
FIBAA (Quỹ Kiểm định các chương trình Quản trị kinh doanh quốc tế)
7 Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) AUN-QA
ASIIN (Thuộc Hiệp hội kiểm định chất lượng đại học châu Âu)
8 Đại học Kinh tế TP HCM FIBAA
9 Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) QAA (Cơ quan đảm bảo chất lượng giáo dục đại học ở Vương quốc Anh)
10 Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) HCERES
11 Đại học Văn Lang FIBAA

Ngoài 11 trường trên, 193 trường đại học và 11 cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định trong nước (Xem danh sách).

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép cho 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoạt động, gồm 10 tổ chức nước ngoài, 7 trong nước.

Tùy từng tổ chức, việc đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học có các tiêu chí và trọng số khác nhau.

Ví dụ, bộ tiêu chuẩn của HCERES gồm 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, truyền thông); đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, nghiên cứu, các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học); quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (môi trường học tập và quản lý đào tạo); quan hệ đối ngoại; quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo, nghiên cứu).

Trong khi, AUN-QA năm ngoái đưa ra 15 tiêu chuẩn đánh giá, gồm Tầm nhìn, sứ mệnh, Văn hóa và Quản trị; Nguồn nhân lực; Nguồn lực tài chính và vật chất; Chính sách nghiên cứu; Kết quả giáo dục, Quan hệ đối ngoại và mạng lưới...

buv-4-1725953634-2467-1725953846.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OFHiw3z8L5pAC_Pp1wEiZA

Một góc khuôn viên Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV). Ảnh: Giang Huy

Theo Luật giáo dục đại học sửa đổi (năm 2018), việc kiểm định là bắt buộc và định kỳ, nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Đại diện nhiều trường cho rằng việc này giúp cơ sở đào tạo gia tăng uy tín, nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu để có kế hoạch nâng cao chất lượng.

Ngoài kiểm định cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức cũng kiểm định từng chương trình đào tạo. Hiện, cả nước có hơn 1.900 chương trình được kiểm định, trong đó hơn 1.370 theo tiêu chuẩn trong nước, khoảng 570 theo tiêu chuẩn nước ngoài (Xem danh sách).

Theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về học phí công lập, các trường được tự xác định mức thu với chương trình đạt kiểm định chất lượng.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022