avatar1725889309993-17258893107032115312805.gifTin sáng 10/9: Tin mới nhất về vụ sập cầu Phong Châu; Sau Mái ấm Hoa Hồng, đình chỉ cơ sở bảo trợ trẻ em Chúc Từ ở TPHCM

GĐXH - Phú Thọ xác định 8 người mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu; Hà Nội yêu cầu khẩn trương rà soát các cầu vượt sông.

Nhiều trường ở Hà Nội chuyển học online 

Theo VnExrpess, sáng 10/9, Trường THCS Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, thông báo chuyển sang dạy trực tuyến từ hôm nay, nhằm đảm bảo an toàn cho thầy trò khi thời tiết diễn biến bất thường.

Cô Nguyễn Huyền Trang, Hiệu trưởng cho biết lý do là học sinh của trường không tập trung ở một địa bàn, mà đến từ nhiều nơi trong thành phố.

"Chiều nay, trường cũng đẩy giờ học sớm lên 30 phút để các em tan lúc 16h. Các phụ huynh rất ủng hộ", cô Trang nói.

hoc-5096-1725942250-1725980892323245269865.jpg

Trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, kiểm tra phòng học sau bão Yagi, hôm 8/9. Ảnh: Fanpage trường

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trưa 10/9 cũng gửi thông báo đến phụ huynh về việc cho toàn bộ học sinh cấp THCS, các lớp giáo dục thể chất nghỉ học buổi chiều. Một số lớp chuyên đề ở THPT chuyển sang học trực tuyến.

Ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, bà Đào Thị Thủy, Hiệu trưởng cho biết, các giáo viên sẽ dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến từ ngày mai. Hình thức này được trường áp dụng khi các lớp học có từ 5 học sinh trở lên nghỉ do dịch bệnh, thiên tai.

Nhiều trường khác như Ngôi sao Hà Nội, Phenikaa, hệ thống Archimedes school, Thực nghiệm Victory... chiều nay cho học sinh ra về từ 15h, thay vì 16h30 như thường lệ. Phương án học ngày mai sẽ được thông báo sau.

Tại rốn lũ Chương Mỹ, ông Nguyễn Hữu Thìn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, đã tính đến phương án cho học sinh học online từ ngày 11/9.

"Song việc này còn phụ thuộc vào điện và mạng Internet", ông cho hay.

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đến tối 9/9, có 114 trường học chưa thể đón học sinh trở lại do ảnh hưởng của bão số 3. Số này có thể tăng lên do đêm qua nhiều nơi có mưa to đến rất to, xảy ra ngập lụt.

Ông Cương yêu cầu các trường chú trọng đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, có kế hoạch dạy trực tuyến nếu ở những nơi bị ảnh hưởng nặng do bão.

Hiện nhiều khu vực ở trung tâm Hà Nội có mưa vừa đến mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi cao hơn 150 mm. Cơn mưa khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, phương tiện bị chết máy, người dân di chuyển khó khăn. Sau khung giờ cao điểm buổi sáng, một số tuyến phố khu vực Hà Đông, đại lộ Thăng Long... vẫn bị ngập, ùn tắc.

Hà Nội cấm toàn bộ lưu thông trên cầu Long Biên 

Trước diễn biến phức tạp khi mực nước sông Hồng liên tục dâng cao, để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên, Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có thông báo cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên.

cau-long-bien-1725983224395800252941.jpg

Mực nước sông Hồng lên cao khiến cho cầu Long Biên phải cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông.

Các phương tiện có nhu cầu đi qua cầu Long Biên lưu thông theo các cầu: Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

Thời gian thực hiện: Từ 15 giờ ngày 10/9/2024 (thứ Ba) đến khi có thông báo thay thế.

Sở Giao thông vận tải đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.

Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Long Biên chỉ đạo lực lượng Công an quận, chính quyền địa phương bố trí lực lượng phối hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Cảnh sát giao thông Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan để điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông vận tải đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải bố trí hệ thống biển báo cấm, barie rào chắn và người hướng dẫn giao thông hai đầu cầu Long Biên (trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Long Biên); đồng thời cập nhật thường xuyên tình hình mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên), tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông của cầu Long Biên để báo cáo cơ quan có chức năng và đề xuất phương án giải quyết trong thời gian hoàn lưu sau bão.

Hà Nội cấm xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ đi cầu Chương Dương 

Ngày 10/9, đại diện Sở GTVT Hà Nội thông tin, Sở vừa thông báo về việc hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương. Vì hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu.

cam-d-uong-1725980223802662702167.jpg

Lực lượng CSGT, TTGT Hà Nội ứng trực đảm bảo phân luồng giao thông cầu Chương Dương.

Để bảo đảm ATGT cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu, Sở GTVT hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương (Hà Nội).

Theo đó, bắt đầu từ 8h30 ngày 10/9, theo hướng từ quận Hoàn Kiếm đi sang Long Biên (Hà Nội): Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Các hướng từ quận Long Biên đi sang Hoàn Kiếm: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Đáng chú ý, các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thăng Long.

Việc điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế các phương tiện lưu thông trên Cầu Chương Dương sẽ bắt đầu từ 8h30 ngày 10/9 cho đến khi có thông báo thay thế.

Lào Cai: 5 người nghi mất tích do sập nhà điều hành nhà máy thủy điện

VOV đưa tin, ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cho biết, các lực lượng của xã Nậm Lúc đã tiếp cận được khu nhà điều hành Nhà máy thủy điện Đông Nam Á, nơi có 5 người nghi mất tích do sập nhà điều hành, nhưng công tác cứu hộ, cứu nạn hiện gặp rất nhiều khó khăn.

sap-nha-dieu-hanh-17259836834321842018683.jpg

Lực lượng chức năng tổ chức cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân tại Bắc Hà, Lào Cai. Ảnh: TTXVN

Theo thông tin ban đầu, vào trưa 10/9, cán bộ Công an xã Bản Cái, huyện Bắc Hà trong khi đi công tác qua Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc thì phát hiện một số người bị thương đang dìu nhau đi ra từ điểm sạt lở và thông báo vụ việc (do khu vực này đang bị mất sóng điện thoại nên không thể gọi lực lượng cứu hộ). Ngay sau đó, cán bộ công an này đã chạy bộ 10 km ra khu vực có sóng điện thoại để gọi điện về Công an huyện thông báo sự việc.

Đến 12h ngày 10/9, những người thoát nạn đã di chuyển về Trạm xá xã Bản Cái để được chăm sóc và điều trị vết thương. Hiện còn 5 người nghi mất tích và 1 người bị thương nặng tại vị trí sạt lở.

Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà nói: "Nhà máy bị sạt lở ta-luy âm xuống sông và nhà bị nghiêng đổ, sụt xuống sông. Hiện nay các lực lượng của huyện chưa tiếp cận được hiện trường nhưng lực lượng của xã với khoảng 50 người đã đến nơi. Tuy nhiên việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích chỉ có thể thực hiện bằng thủ công, không có máy móc hỗ trợ mà tảng bê tông rất lớn. Khó khăn nữa là không có đường đi vào, chỉ có thể đi bộ, không có điện, không có viễn thông, không có điện thoại nên công tác tìm kiếm nạn nhân cực kì khó khăn".

Nhà máy thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc nằm trên sông Chảy, thuộc địa bàn xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Dùng súng bắn thuốc mê bắt 2 con cá sấu sổng chuồng do mưa lũ 

NLĐ đưa tin, chiều 10/9, theo thông tin từ bà Đặng Thị Mai, quyền Chủ tịch UBND phường Nam Cường, TP Yên Bái cho biết, lực lượng chức năng đã bắt được 2 con cá sấu (mỗi con nặng hơn 100 kg) của nhà dân bị sổng chuồng trước đó.

sau-1725933595107173227743-1725972476369-1725972477049284626802-1725982803151-172598280351159246150.jpg

Hình ảnh cá sấu được chia sẻ trên trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook

Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh về 2 con cá sấu (được miêu tả nặng trên 100 kg) bị sổng chuồng và bơi giữa dòng nước lũ ở TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Kèm với đó là ảnh chụp dòng thông báo qua Zalo với nội dung: "Hiện tại, Đầm Sấu trên địa bàn phường Nam Cường đã bị ra 2 cá sấu. Các phụ huynh chú ý không cho con không ra gần khu vực hồ".

Theo thông tin ban đầu, 2 con cá sấu nói trên thuộc sở hữu của một người dân trú tại thôn Nam Thọ, phường Nam Cường, TP Yên Bái. Mỗi con nặng khoảng hơn 100 kg. Sau khi xảy ra ngập lụt, gia đình này đã chủ động trình báo với chính quyền về việc cá sấu chưa rõ vẫn ở trong chuồng hay đã sổng ra ngoài vì nước hiện giờ rất lớn.

Nhận được thông tin, phường Nam Cường đã báo cáo UBND TP Yên Bái và cảnh báo cho người dân nắm được để đề phòng.

Đến sáng 10/9, hai con cá sấu đã được lực lượng chức năng dùng súng bắn thuốc mê bắt giữ tại một hồ nước trên địa bàn phường Nam Cương. Hiện 2 con cá sấu đang được lực lượng chức năng tạm nhốt vào nơi an toàn, không nguy hiểm đến người dân.

181 người chết và mất tích do mưa bão, lũ 

Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tính đến 18h ngày 10/9, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 181 người chết, mất tích (127 người chết, 54 người mất tích).

sat-lo-lao-cai-19125342-1725972089076-1725972089534671688310-1725979073345910315522.jpg

Lực lượng chức năng huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đưa thi thể nạn nhân vụ sạt lở đất ra khỏi hiện trường.

Trong đó tỉnh Cao Bằng 55 người (19 người chết, 36 người mất tích); tỉnh Lào Cai: 51 người (38 người chết, 13 người mất tích); tỉnh Yên Bái: 40 người (37 người chết, 3 người mất tích); tỉnh Quảng Ninh 9 người chết do bão, lũ. Tỉnh Phú Thọ hiện vẫn còn 8 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu...

Mưa bão cũng làm 764 người bị thương, trong đó Quảng Ninh 536 người, Hải Phòng 81 người, Bắc Ninh 52, Lạng Sơn 10, Lào Cai 21, Yên Bái 10...

Về nông nghiệp, 162.828 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 29.543 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 15.959 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.582 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,...).

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 48.337 nhà ở bị hư hỏng (tập trung Quảng Ninh 20.245, Hải Phòng 13.927, Bắc Ninh 3.450, Lạng Sơn 2.929,...); nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…

Các hiện địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.

Hiện việc tìm kiếm người mất tích vẫn đang được các lực lượng nỗ lực thực hiện, cùng với đó là các hoạt động khắc phục hậu quả. Nước lũ rút đến đâu, việc dọn dẹp và tính toán thiệt hại được thực hiện tới đó và rất cần những sự hỗ trợ của toàn thể cộng đồng, xã hội.

Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát, in bổ sung sách giáo khoa cho học sinh sau bão lũ 

TP đưa tin, Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố và các nhà xuất bản, tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa về việc cung ứng sách giáo khoa cho các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

sgk-l-6559-1725938019993-17259380237281490162646-1725983033647-17259830339599340447.jpeg

Sau các đợt bão lũ, nhiều nơi sách vở học sinh bị ngâm nước.

Theo Bộ GD&ĐT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão YAGI và mưa lũ sau bão, để chủ động khắc phục hậu quả và chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường học tập, Bộ đề nghị các sở GD&ĐT chủ động rà soát, thống kê tình hình thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và đồ dùng học tập của nhà trường và học sinh do bão, lũ gây ra để có phương án khắc phục và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bị thiệt hại do mưa, bão sớm ổn định học tập và thực hiện các giải pháp để việc dạy học ở các nhà trường an toàn, hiệu quả.

“Các nhà xuất bản phối hợp với các đơn vị cung ứng sách giáo khoa tại địa phương kịp thời cung cấp bổ sung sách giáo khoa cho học sinh, bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa, giúp học sinh nhanh chóng ổn định học tập”, Bộ GD&ĐT yêu cầu.

Đối với các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa , Bộ GD&ĐT yêu cầu chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình sách giáo khoa bị hư hại do ảnh hưởng của bão lũ để khẩn trương in ấn bổ sung và cung ứng kịp thời cho giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ưu tiên cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối cấp. Không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung sách giáo khoa.

Trong khả năng của đơn vị, phối hợp với các sở GD&ĐT chủ động hỗ trợ sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho học sinh các gia đình chính sách, học sinh bị thiệt hại nặng nề do mưa, bão để sớm ổn định học tập.

Bộ GD&ĐT đề nghị ngành giáo dục địa phương và các đơn vị triển khai thực hiện ngay các nội dung trên đồng thời báo cáo tình hình thực hiện và những khó khăn, vướng mắc để được hướng dẫn, giải quyết.

45898378823091863860969402497115702864583178n-1725765000576702740008-210-0-1490-2048-crop-17257822917021981112598.jpgTin sáng 9/9: Cố gắng trồng lại cây xanh trăm tuổi gãy, đổ ở Hà Nội; xót xa hoàn cảnh gia đình của thượng úy hy sinh khi chống bão

GĐXH - Với những cây xanh gãy đổ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đặc biệt lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ, trồng lại; Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm, công tác tại Lữ đoàn 513 đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão số 3 tại Quảng Ninh vào sáng 7/9.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022