Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai sáng 10/9 cho biết trừ một số trường ở thành phố, gần 580 trường còn lại trong tỉnh đều đóng cửa để phòng, tránh bão lũ.

Theo thống kê ban đầu, nhiều trường bị sạt lở taluy, tường rào, tốc mái, ngập úng... Như tại trường Mầm non Tân An, huyện Văn Bàn, nước tràn vào các lớp học tầng 1, trường THCS Tân An ngập khu bán trú. Toàn bộ bờ kè dài khoảng 200 m và một phần sân tại điểm trường Ta Khuấn bị sạt lở.

"Nhiều trường bị chia cắt, mất thông tin liên lạc", đại diện Sở nói.

Tại Yên Bái, tất cả trường (hơn 440) cho học sinh nghỉ hôm nay. Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đến ngày 9/9, có 7 trường ở TP Yên Bái và huyện Lục Yên bị ngập lụt. Một số trường bị thủng mái tôn, nứt trần, sạt taluy.

Yen-Bai-jpeg-5143-1725940921.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PX87zFhNzO1AZLNMyeCsGA

Trường Tiểu học Hồng Thái, TP Yên Bái ngập sâu hôm 9/9. Ảnh: Thu Trang

Thái Nguyên, mực nước trên Sông Cầu ở mức gần 29 m, vượt đỉnh 65 năm. Nhiều trường học bị gió bão làm tốc mái, đổ tường rào, đổ cây, hư hỏng hệ thống điện. Dự báo, địa bàn tiếp tục có mưa lớn, gây ngập lụt, giao thông khó khăn.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh, các huyện Định Hóa, Phú Bình, Phú Lương, Đồng Hỷ tiếp tục cho học sinh nghỉ ngày 10/9; TP Thái Nguyên cho học sinh nghỉ đến 11/9.

Ngoài ra, khoảng 600 trường ở Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng cho toàn bộ trẻ mầm non, học sinh, sinh viên nghỉ hôm nay. Một số trường ở Phú Thọ cũng không đón học sinh đến trường do lo ngại mất an toàn.

Ba ngày qua, cả 25 tỉnh, thành phố miền Bắc có mưa rất lớn với lượng phổ biến 200-400 mm, riêng Lào Cai, Yên Bái và Thái Nguyên phổ biến 400-600 mm. Một số nơi mưa lớn hơn như Nậm Xây Luông, huyện Văn Bàn (Lào Cai) mưa 760 mm, Phú Dảnh (Sơn La) 614 mm. Lượng mưa ở các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên trong một ngày đã gấp đôi trung bình nhiều năm tháng 9.

Mưa lớn khiến miền Bắc xuất hiện một đợt lũ kéo dài đến 11/9. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạm, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2-3 có nơi trên báo động 3.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để cho học sinh nghỉ học, tuyệt đối không chủ quan với hoàn lưu sau bão.

Theo khung kế hoạch năm học 2024-2025 của Bộ, các tỉnh, thành cần đảm bảo đủ 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II 17).

Nếu thời tiết khắc nghiệt, xảy ra thiên tai, địa phương chủ động cho học sinh nghỉ và học bù, miễn đảm bảo tiến độ và kế hoạch học tập. Các địa phương này cũng có thể tựu trường sớm và kéo dài năm học, nhưng không quá 15 ngày so với khung chung của cả nước.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022