8393a80961c6c5989cd7-17237898339641316935569.jpg

Hội âm nhạc TP.HCM tổ chức hội thảo về nhạc thiếu nhi - Ảnh: HOÀI PHƯƠNG

Sáng 16-8, Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động Ngày hội âm nhạc TP.HCM lần thứ 1 nhân dịp chào mừng Ngày âm nhạc Việt Nam 3-9. Đây là lần đầu tiên Hội âm nhạc TP.HCM tổ chức Ngày hội âm nhạc.

Từ sau Xuân Mai, âm nhạc thiếu nhi rơi vào thoái trào

Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông nêu thực trạng hiện có nhiều nhạc sĩ viết cho thiếu nhi nhưng chưa được phổ biến rộng rãi, chưa có sức lan tỏa mạnh. Nguyên nhân không đủ tài chính để tự sản xuất ca khúc để phát hành trên các nền tảng.

Ông cũng báo động tình trạng trẻ em hát nhạc người lớn hiện nay, khiến các ca khúc thiếu nhi như bị bỏ quên, khiến thị trường thiếu hụt trầm trọng những ca khúc âm nhạc mới, học sinh chỉ được học những tác phẩm âm nhạc cũ ở trường.

base64-1723789542735119387015.jpeg

Nguyễn Văn Chung có nhiều sáng tác nhạc cho thiếu nhi - Ảnh: FBNV

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận xét từ sau giai đoạn hoàng kim tiêu biểu là bé Xuân Mai thì âm nhạc thiếu nhi rơi vào thoái trào và ảm đạm, những bài hát thiếu nhi mới thật sự đi vào đời sống thiếu nhi không còn.

"Sự phát triển mạnh mẽ của những game show, cuộc thi âm nhạc chỉ dành cho thiếu nhi có tài năng ca hát, nơi mà các con được chọn hoặc bị chọn phải hát và biểu diễn những bài hát khó, kỹ thuật cao, nội dung phức tạp để người lớn chấm điểm, đánh giá và những người lớn khác xem.

Bên cạnh mặt tích cực các con được trui rèn kinh nghiệm xử lý ca khúc và biểu diễn sân khấu như những nghệ sĩ chuyên nghiệp, thì có rất nhiều mặt tiêu cực và những câu chuyện buồn lòng: các con phải hát những ca khúc không hiểu nội dung hay phần lời, các con phải hát những ca khúc lớn hơn nhiều so với lứa tuổi và suy nghĩ" - ông Chung nêu ý kiến.

Nhạc sĩ Trần Hữu Bích - nguyên phó trưởng ban ca nhạc, Đài truyền hình TP.HCM - cho rằng viết bài hát cho thiếu nhi cần ngắn gọn, giai điệu đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, âm vực không nên quá một quãng 9.

Ông gợi ý nếu khai thác chất liệu Việt Nam thì càng hay. "Xu hướng cập nhật cái mới là tất yếu nhưng cần tiết chế, phù hợp với nội dung và lứa tuổi. Nội dung phải gắn với đời sống, lời hát trong sáng, dung dị, dễ hiểu, có chất thơ thì càng hay" - nhạc sĩ Trần Hữu Bích nhấn mạnh.

Để có nhiều sáng tác nhạc thiếu nhi hay, ông Chung đề xuất: "Tăng nguồn vốn đầu tư sáng tác và sản xuất âm nhạc thiếu nhi; tăng thêm nhiều cuộc vận động sáng tác nhạc thiếu nhi nhưng đa dạng chủ đề, đề tài; tăng các chương trình phổ biến các ca khúc thiếu nhi mới;

Tăng thêm các chương trình thiếu nhi được sản xuất và ghi hình, phát trên các đài phát thanh, truyền hình và cả nền tảng online, nhạc số, internet; tăng thêm các giải thưởng tôn vinh những bài nhạc thiếu nhi mới".

Đầu tư cho âm nhạc thiếu nhi, tuổi hồng

Ban tổ chức hội thảo khoa học Âm nhạc thiếu nhi ở TP.HCM nhận được hơn 20 tham luận của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu…

Các tham luận tập trung xoay quanh thực trạng hoạt động biểu diễn âm nhạc dành cho thiếu nhi; nhận diện giá trị trong các tác phẩm viết cho thiếu nhi; những tác động đối với âm nhạc dành cho thiếu nhi; những giải pháp về sáng tác, tổ chức biểu diễn, giáo dục và đào tạo âm nhạc dành cho thiếu nhi…

Ông Nguyễn Quang Vinh - chủ tịch Hội âm nhạc TP.HCM - cho biết Hội âm nhạc TP.HCM và nhiều đơn vị rất quan tâm đến mảng âm nhạc dành cho thiếu nhi.

Nhạc sĩ nói: "Trong 10 năm qua, Hội âm nhạc TP.HCM chủ trương đầu tư vào âm nhạc thiếu nhi, tuổi hồng. Mỗi năm có khoảng 30 - 50 bài hát thiếu nhi mới ra đời. 

Hội âm nhạc đầu tư cho tác giả sáng tác, trả tiền bản quyền, đầu tư nhạc nền. Vì vậy, người dân sử dụng miễn phí, không cần trả tiền bản quyền.

Để lan tỏa âm nhạc thiếu nhi, Hội âm nhạc TP.HCM đã xây dựng thư viện âm nhạc điện tử thiếu nhi. Các ca khúc này được đăng trên kênh YouTube của Hội âm nhạc TP.HCM (mục nhạc thiếu nhi, tuổi hồng). Hiện tại, kênh YouTube này có khoảng 400 ca khúc thiếu nhi mới từ sự đầu tư của Hội âm nhạc".

Ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh trang YouTube này cho sử dụng miễn phí kể cả nhạc nền, nhạc beat chất lượng cao bởi Hội âm nhạc đã trả tiền bản quyền.

Từ ngày 30-8 đến 3-9, Hội âm nhạc TP.HCM phát các chương trình ca nhạc với chủ đề Tuổi thơ của em, Hát với tuổi hồng, Ca ngợi người chiến sĩ Công an nhân dân, Vang vọng lời Bác, Hát về mái nhà chung trên YouTube, Facebook.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022