Theo Variety, tập thứ sáu Extremes của series tài liệu về thiên nhiên Planet Earth III được đề cử hai giải Emmy 2024: Kỹ thuật quay phim xuất sắc cho chương trình phi hư cấu và Nhạc phim xuất sắc cho phim tài liệu. Nội dung tập trung vào cách các loài động vật tiến hóa qua những môi trường khắc nghiệt, trong đó giới thiệu Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới - đến khán giả toàn cầu.

trich-doan-tap-extremes-ve-hang-son-doong-1724226560.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=G-z7KZJEXkVx05BezWa96w
Trích đoạn tập 'Extremes' về hang Sơn Đoòng

Trích đoạn tập 'Extremes' về hang Sơn Đoòng. Video: YouTube Oxalis Adventure

Để ghi lại cảnh quan thiên nhiên tại đây, đoàn phim gặp nhiều khó khăn. Quá trình quay phim diễn ra từ ngày 27/1 đến 19/2/2022 ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có 13 ngày ở Sơn Đoòng. Đội ngũ do nhà sản xuất Theo Webb dẫn đầu, gồm sáu thành viên và đội sản xuất của Mỹ và Anh, mang theo hơn một tấn thiết bị. Vì thực hiện trong thời điểm đại dịch, các khâu chuẩn bị khó khăn hơn bình thường.

Theo nhà quay phim Luke Nelson, anh và đội ngũ phải trang bị máy quay, ống kính và hệ thống đèn chiếu sáng chuyên dụng để đảm bảo từng chi tiết được ghi lại một cách sống động và chân thực, tránh tình trạng hình ảnh bị tối đen khi lên màn ảnh. Cả nhóm mất hai ngày đi bộ, xuyên qua hang Én để đến được Sơn Đoòng. Đồng thời, đoàn thuê 10-15 người khuân vác mang pin, máy phát điện, drone (thiết bị bay không người lái) và ống kính.

trailer-planet-earth-iii-1724224919.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LVYboy7wwRtndSxVyvfrUA
Trailer 'Planet Earth III'

Trailer "Planet Earth III" (2023). Video: BBC

Êkíp dành một tuần để quay lối vào hang, dòng sông ngầm đến hố sụt thứ nhất, bố trí nhiều camera để ghi lại góc quay khác nhau nhằm mô tả hệ sinh thái trong hang. Nelson chuẩn bị năm chiếc drone, gồm drone loại nhỏ, drone FPV (thiết bị bay với chế độ xem góc nhìn thứ nhất) và drone hạng nặng sử dụng đèn, nhưng hai trong số đó bị rơi khi ghi hình.

dsc00364-638339008513283981-7747-1724226236.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=etWg1NT4q33qoIUdF_MTmQ

Đoàn phim thực hiện cảnh quay giọt nước rơi từ các khe hở bên trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis

Nhà quay phim cho biết cố gắng truyền tải kích thước khổng lồ của Sơn Đoòng vào khung hình nhưng hang quá sâu và tối. Để tạo ánh sáng, Nelson sử dụng đèn đội đầu, đèn điện thoại di động và tấm đèn LED tự chế. "Đó là thách thức khi mọi thứ đều phải chạy bằng pin", Nelson nói.

Trên đường đi, họ bắt gặp các loài cá hang động trong suốt. Một vài nơi trong hang được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời trong khoảng 30 phút mỗi ngày, nếu trời không âm u. Đoàn phim tận dụng điều này để điều chỉnh ánh sáng cho các cảnh quay.

Từ ngày 11 đến 16/2/2022, nhóm tiếp tục đi đến hố sụt thứ hai, tập trung khai thác sự đa dạng của hệ sinh thái trong Sơn Đoòng, khám phá Vườn Địa Đàng - khu rừng nhiệt đới phát triển ngay dưới hố sụt. Ngoài ra, đoàn ghi hình một số hoạt động phiêu lưu mạo hiểm như đu dây, do chuyên gia hang động người Anh Martin Holroyd thực hiện, và vượt Bức tường Việt Nam, bức tường thạch nhũ cao 90 m nằm ở phía cuối hang.

Sau khi hoàn thành quá trình quay tại Sơn Đoòng, đoàn tiếp tục hành trình đến hang Nước Nứt và hang Va. Êkíp bị thu hút bởi không gian bí ẩn, đặc biệt là hình ảnh phản chiếu của các hồ nhũ viền chứa hàng ngàn thạch nhũ tháp nón bên trong. Nhà sản xuất Theo Webb cho biết: "Hệ sinh thái ở đây thật độc đáo. Dù có sự hiện diện của du khách, nó vẫn được bảo tồn cẩn thận".

hang-son-doong-7310-1724229068.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0uoyke7wwmOavRerKrldEA

Cảnh quan thiên nhiên trong hang Sơn Đoòng. Ảnh: Oxalis Adventure

Ông Nguyễn Châu Á, tổng giám đốc Oxalis Adventure và Oxalis Holiday, đơn vị cung cấp độc quyền tour Sơn Đoòng, cho biết bố trí hậu cần với hơn 100 nhân viên làm việc liên tục trong gần một tháng phục vụ cho đoàn phim. Họ hỗ trợ cho đoàn thủ tục cấp phép từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giấy phép làm phim của Vụ Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao.

"Dự án tài liệu rất công phu và tốn kém, may mắn có được sự ủng hộ của các ban ngành. Chúng tôi hy vọng giúp quảng bá du lịch Việt Nam", ông Nguyễn Châu Á nói.

Planet Earth III là phần thứ ba trong loạt phim tài liệu về thiên nhiên của Anh, do nhà tự nhiên học người Anh David Attenborough, 98 tuổi, tường thuật. Phim gồm tám tập, khám phá những cảnh quan và cuộc săn mồi của các loài động vật, từ vùng núi đến đại dương, từ hang động đến sa mạc.

Theo Telegraph, đại diện đài BBC nói Planet Earth III được sản xuất để tôn vinh những người cứu hộ và bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, tiêu biểu như ông David. Nhà tự nhiên học người Anh có gần 70 năm dẫn dắt các series khám phá tự nhiên, đưa ra nhận định về tình hình môi trường.

Phim nhận nhiều lời khen từ giới phê bình. Trên Guardian, nhà phê bình Rebecca Nicholson chấm tác phẩm 5/5 sao, nhận xét: "Bạn có thể xem vì những cảnh quay kinh ngạc, có thể khiến bạn bất ngờ". Financial Times viết: "Planet Earth nhắc nhở người xem về vẻ đẹp choáng ngợp của hành tinh này".

Hang Sơn Đoòng được phát hiện và công bố lớn nhất thế giới năm 2010. Tháng 8/2013, hang lần đầu đưa vào khai thác du lịch với số lượng khách hạn chế. Tại Quảng Bình, hiện có gần 400 hang động lớn nhỏ, trong đó khoảng 40 hang được đưa vào khai thác du lịch. Một số hang giới hạn số lượng khách như Sơn Đoòng, Én. Trước Planet Earth III, Sơn Đoòng từng xuất hiện trong MV Alone, Pt. II của DJ Alan Walker, phim A Crack in the Mountain - do hãng phim Anh Dartmouth Films thực hiện, chương trình Hidden Worlds của đài ABC, dự án Sơn Đoòng 360 độ của National Geographic.

Quế Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022