Truyện dài Vua Ngan xóm Hồ của nhà văn Uông Triều nhận Giải Khát vọng Dế Mèn 2023 khi còn là bản thảo. Mới đây, tập truyện này đã được NXB Kim Đồng phát hành đến tay bạn đọc.

"Nhà tôi, khi xưa nuôi rất nhiều ngan, vịt, gà và tôi còn được giao "nhiệm vụ" đi chăn ngan. Nhân vật Vua Ngan được viết dựa trên một nguyên mẫu có thật từ đàn ngan ấy" - nhà văn Uông Triều kể với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) - "Từ cảm xúc tuổi thơ, tôi nảy ra suy nghĩ: Tại sao mình không viết câu chuyện về những con vật đó cho con đọc, và cho nhiều đứa trẻ khác nữa?"

Viết từ ký ức "tuổi thơ bùn đất"

* Anh bắt đầu viết "Vua Ngan xóm Hồ" như thế nào?

- Trước đây, tôi vẫn hay viết truyện cho người lớn, chưa viết cho trẻ con. Nhưng từ khi được 4 tuổi, con gái nói với tôi: "Sao ba không viết truyện cho con đọc?". Khi ấy, tôi đã hứa sẽ viết khi con học lớp 1. Kết quả, tập truyện Ong Béo và Ong Gầy ra đời và lọt vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2022 ở hạng mục văn học thiếu nhi. Sách bán được, trẻ con cũng thích đọc, tôi thấy vui vui và viết tiếp tập truyện đồng thoại Vua Ngan xóm Hồ.

Nhà văn Uông Triều

* Vậy, tại sao anh lại dụng công xây dựng nhân vật hình tượng Vua Ngan như một anh hùng đầy nghĩa khí, hào hiệp.

- Ngày xưa, bọn trẻ chúng tôi luôn có tính tình thích phiêu lưu, mạo hiểm, muốn trở thành những trang anh hùng nghĩa hiệp. Trong thế giới loài vật, tôi nghĩ cũng thế! Có những con vật mang tính hào hiệp, bảo vệ những loài vật bị yếu thế, bị bắt nạt hoặc có những thiệt thòi. Thực tế, chúng luôn có những con đầu đàn là thủ lĩnh. Xây dựng những nhân vật đồng thoại trong văn học có lòng nghĩa hiệp, bảo vệ cuộc sống của đồng loại là lựa chọn hợp lý.

Hơn nữa, tính nghĩa hiệp cũng rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Con người có tính nghĩa hiệp sẽ biết đấu tranh với những cái xấu trong đời sống, biết bảo vệ người thân, bạn bè và xa hơn là có tinh thần bảo vệ Tổ quốc. Trong thâm tâm của một đứa trẻ bao giờ cũng có suy nghĩ muốn trở thành một anh hùng. Tâm lý trẻ con thích như vậy và bản thân tôi hồi nhỏ cũng trải qua cảm giác này.

Từ đó, tôi muốn những nhân vật đồng thoại của mình, ngoài việc mang đến tình yêu thương với thiên nhiên, loài vật, còn bồi đắp cho các emcó mộtlòng nghĩa hiệp sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ người khác. Tôi nghĩ rằng cách lựa chọn thông điệp của mình phù hợp với lứa tuổi của các em. Đây cũng là mục tiêu của giáo dục trong một ngầm ý sâu xa mà nhà văn muốn hướng tới để các em có thể cảm nhận khi đọc tác phẩm. Nó ẩn sâu là chất nhân văn của tình cảm đối với đồng loại, cũng như tinh thần nghĩa hiệp ở con người nói chung.

giaithuong-1724109128444973798941.jpg

Nhà văn Uông Triều (thứ hai từ trái sang) nhận Giải Khát vọng Dế Mèn 2023

* Đọc "Vua Ngan xóm Hồ", tôi thấy tác giả rất hiểu thế giới loài vật với những miêu tả tập tính của từng loài rất tỉ mỉ, chính xác. Bằng cách nào anh làm được như thế?

Tôi sinh ở nông thôn, từng đi chăn một đàn ngan khoảng 30 con. Nghĩa là tuổi thơ của tôi đầy bùn đất, từng con vật của đồng ruộng, vườn tược tôi đều rất thuộc. Đó là lợi thế, nhưng những thứ trải qua đó cũng chỉ là trải nghiệm của một đứa trẻ. Để có kiến thức, tôi phải tìm hiểu thêm.

Ví dụ, tôi đã đọc các từ điển bách khoa về các loài vật để tìm hiểu chính xác đặc tính của từng loài. Hoặc, có khi tôi lại xem những thước phim được quay trong thiên nhiên. Kết hợp những kiến thức khoa học tự bồi đắp thêm cùng những hiểu biết từ trải nghiệm, tôi tìm hiểu thế giới loài vật một cách cụ thể, tỉ mỉ.

Trong quá trình ấy, tôi phát hiện thấy thế giới của loài vật rất giống với thế giới loài người. Ví dụ, trong Vua ngan xóm Hồ, có hình ảnh cô gà mái cứ toang toác, có thể liên tưởng đến một bà chị, bà cô nào đó. Hoặc, thằng gà trống không cho thằng gà choai được gáy cùng mình cũng có thể rất giống một ông anh nào đó rất kiêu ngạo, không cho đàn em được thể hiện…

Truyện đồng thoại nói về loài vật nhưng ngầm xa hơn lại là những ngụ ý về thế giới con người. Quan niệm như thế, tôi mong muốn mang tới một cuốn sách có được giá trị tổng hòa, vừa có những kiến thức khoa học, vừa có những hình dung thực tế về đời sống và mang cả những ý thức xã hội.

Viết cho thiếu nhi… "phải nhập thế với các em"

* Anh từng ghi danh ở địa hạt sáng tác cho người lớn qua nhiều thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, khảo cứu, bút ký với những thành công nhất định. Vậy khi chuyển sang viết cho thiếu nhi, anh đã thay đổi như thế nào?

- Rõ ràng, khi viết sang một thể tài khác, nhà văn phải trải nghiệm là con người mới. Khi viết phải thay đổi tư duy về thể loại, thay đổi về ngôn ngữ và cách viết để phù hợp với đối tượng, cũng như phù hợp với triết lý mới mà mình đã xác định khi viết truyện cho thiếu nhi. Như vậy, từ tư duy, ngôn ngữ đến ý tưởng đều phải khác biệt.

Khi viết cho thiếu nhi, tôi phải thay đổi và gần như đã trở thành con người khác. Bởi tư duy của thiếu nhi còn rất non trẻ, các em không thể đọc những thứ khô khan, nặng nề mà phải tươi mới, hài hước.

Ví dụ, truyện người lớn tôi viết thường mang dòng ý thức rất cao và chủ yếu là con người suy nghĩ. Thế nhưng, nhân vật trong truyện cho thiếu nhi của tôi lại chủ yếu hành động. Các nhân vật hành động liên tục và thậm chí xử lý mọi vấn đều bằng hành động.

truyendai-17241091285251425046179.jpg

Tập truyện dài “Vua Ngan xóm Hồ” (NXB Kim Đồng) của nhà văn

* Vậy so với viết cho người lớn, anh thấy viết cho thiếu nhi khó hay dễ?

- Tôi muốn khẳng định: Viết cho thiếu nhi không phải là một công việc dễ dàng. Có mấy điểm khó: Một là, viết sao cho đúng là kiểu của thiếu nhi; hai là, viết sao để thiếu nhi phải thích. Như tôi, đến bây giờ khi đã trưởng thành, tôi mới dám viết cho thiếu nhi. Tức là có vẻ đã "đủ lông đủ cánh" ở các thể loại khác, tôi mới đủ tự tin viết thiếu nhi, chứ không phải dám "bập" vào ngay từ đầu.

Và khi viết, tôi phải kiểm tra trước. Tôi cho con đọc, rồi gửi cho các con của bạn bè đọc trong trạng thái không áp lực. Sau đó, tôi đều hỏi: "Nếu bác/chú viết như thế này, các cháu có thấy thích không? Có giống các cháu nghĩ không?"

Tôi kiểm tra như vậy tương đối nhiều và đều thu được những kết quả khả quan. Ví dụ, có cháu góp ý thích truyện phải vui tươi, hài hước hơn. Sự phản hồi của các em trở thành những gợi ý giúp tôi gia giảm trong quá trình sáng tác để không áp đặt suy nghĩ của mình trong tác phẩm.

Ở đây, cũng phải nói thêm mặc dù có vẻ trẻ em rất hồn nhiên, đơn sơ, thế nhưng viết để các em thích, đúng giọng, đúng lứa tuổi của chúng cũng như đạt được hiệu quả về nghệ thuật thì không hề đơn giản.

Như thế, để viết được cho thiếu nhi, một là phải "nhập thế" với các em. Hai là, phải tìm cách chuyển tải phù hợp và hấp dẫn thay vì chỉ có áp đặt sự giáo dục, kiến thức hoặc giáo điều mà người lớn nghĩ là quan trọng với trẻ em. Thực tế, có những thứ người lớn cho là quan trọng nhưng trẻ con lại không hề thích.

haitap-1724109128484267994794.jpg

2 tập truyện đồng thoại của Uông Triều: “Ong Béo và Ong Gầy” và "Vua Ngan xóm Hồ"

* Mặc dù chỉ mới viết cho thiếu nhi với 2 tác phẩm được xuất bản là "Ong Béo và Ong Gầy" và "Vua Ngan xóm Hồ", nhưng cả 2 tập truyện này của anh đều để lại dấu ấn đáng kể. Theo anh, một tác phẩm muốn hấp dẫn thiếu nhi cần những điều gì?

- Theo tôi, một tác phẩm hấp dẫn được thiếu nhi phải có một nhân vật đinh, nhân vật để các em phải nhớ tới.

Trẻ em vốn rất hồn nhiên nên phải có một nhân vật để các em yêu thích. Nhiều truyện trên thế giới được trẻ con yêu thích cũng vì lý do đó. Ví dụ, truyện tranh Doremon nổi tiếng của Nhật Bản có nhân vật nổi bật là chú mèo máy Doremon. Còn Nobita, Chaien, Xeko,… cũng được yêu thích và cũng đều là những nhân vật được xây dựng rất cụ thể về diện mạo, tính cách,…

Hoặc trong truyện Ong Béo và Ong Gầy, tôi đã chú trọng xây dựng 2 anh em Ong Béo và Ong Gầy với những tính cách rất rõ rệt của từng nhân vật. Đến Vua Ngan xóm Hồ, tính cách các nhân vật càng được xây dựng đậm nét hơn, đặc biệt là nhân vật trung tâm Vua Ngan. Tôi muốn xây dựng nhân vật Vua Ngan giống như một thủ lĩnh, một người hùng thực thụ. Có một nhân vật đinh như thế thì trẻ em sẽ rất nhớ câu chuyện.

Đặc biệt, tôi nhận thấy ngay từ những đứa con của mình, khi chúng thích một nhân vật hoạt hình, truyện tranh nào đó thì chúng sẽ nhớ mãi, thậm chí chúng sẽ hành động giống như nhân vật đó. Như vậy, để viết được cho thiếu nhi thành công, người viết trước hết phải xây dựng được những nhân vật hấp dẫn. Theo tôi, đó là điều cốt tủy khi viết cho thiếu nhi.

* Từ những thành công bước đầu, liệu anh có ý định tiếp tục đi đường dài với việc sáng tác cho thiếu nhi?

- Thực ra, sau khi viết xong Vua Ngan xóm Hồ, tôi còn viết mấy cuốn khác nhưng chưa công bố. Đó là một series truyện mà các nhân vật có thể lặp lại trong những tập truyện trước đó. Tôi cũng có ý định xây dựng một bộ truyện giống như cách làm của các nhà văn nước ngoài với nhiều tập, các nhân vật ở quyển nọ xen lẫn quyển kia.

Ở đây, Vua Ngan xóm Hồ chính là cuốn khởi đầu cho một series truyện như vậy, và có thể móc xích với cả tập Ong Béo và Ong Gầy. Tiếp theo, tôi dự kiến ra mắt các tập truyện khác như Hiệp sĩ Bọ Ngựa, Chó Mực và Mèo Mướp,… Có thể coi đây là một chuỗi truyện đồng thoại tôi viết về thế giới loài vật mà tuổi thơ tôi đã gắn bó rất nhiều.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

"Có những thứ viết ra người lớn thích nhưng thiếu nhi lại không thích. Áp đặt cái thích của người lớn vào thiếu nhi là rất nguy hiểm" - nhà văn Uông Triều.

'Hà Nội dấu xưa, phố cũ' của Uông Triều: Hoài niệm và cảm thức hiện thực

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022