Nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh Nhà giáo nhân dân - PGS Nguyễn Văn Long, Tổ bộ môn văn học Việt Nam hiện đại (Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) và các thế hệ học trò đã tổ chức Lễ tri ân và ra mắt sách Văn học Việt Nam hiện đại (Tiến trình - Thể loại - Tác giả - Tác phẩm). Bài viết "Tâm nhãn" là món quà tri ân của tôi gửi đến người thầy uyên bác, sâu sắc, tâm tuệ đã tận tình hướng dẫn tôi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.

Tôi là sinh viên khóa 29 (1979-1983) Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, tôi nhận công tác tại Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Năm 1999, sau khi bảo vệ luận văn thạc sĩ, tôi chuyển công tác về Vụ Văn hóa, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương).

Trong các cuộc họp, nhạc sĩ Trần Hoàn khi đó là Phó Trưởng ban luôn yêu cầu mỗi chuyên viên cần nâng cao kiến thức, khả năng khái quát, tổng hợp, tư duy logic… để có thể nghiên cứu, tham mưu tốt lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Tôi đã quyết định làm nghiên cứu sinh từ yêu cầu của thủ trưởng phụ trách trực tiếp văn hóa - văn nghệ. Cơ duyên, may mắn, ân phúc đã cho tôi được PGS Nguyễn Văn Long - người thầy tài năng, tâm tuệ hướng dẫn.  

PGS Nguyễn Văn Long (thứ ba phải sang) trong Lễ tri ân và ra mắt sách

Ngân vang những thanh âm trong trẻo

Các thế hệ học trò đều quý trọng thầy bởi sự hiền lành, nhân hậu… và thương thầy mắt cận nặng, chỉ một mắt nhìn được với thị lực dưới 2/10. Trong  nghiên cứu khoa học, thầy là người uyên thâm, tư duy sắc sảo, óc tổ chức tốt, cẩn thận, chỉn chu, kỹ lưỡng...

Tôi nhớ những bài giảng của thầy từ thời học đại học và thời gian học cao học. Bài giảng của thầy kiến thức chắc chắn, luận điểm chặt chẽ, rõ ràng, khúc chiết, tường minh… Thầy có tư duy sắc sảo, kiến thức uyên thâm và khả năng khái quát vấn đề cao. Cách giảng bài của thầy là không cao giọng, không ồn ã, lúc nào cũng nhỏ nhẹ, thủ thỉ, sâu sắc và rất thuyết phục.

Nói như PGS-TS Nguyễn Thị Bình: "Trong học thuật, thầy là người uyên thâm, tư duy uyển chuyển. Thầy cổ vũ cái mới, nhưng không bao giờ cực đoan. Đến tận bây giờ đã U80, thầy vẫn còn có hứng tìm đọc các công trình nghiên cứu mới".

tacphamghep-1724113295599957936028.jpg

Một số tác phẩm của PGS Nguyễn Văn Long

Thầy hướng dẫn trò tập làm quen với thao tác nghiên cứu, nghiêm túc thực hiện những yêu cầu đối với một nghiên cứu sinh. Thầy nói về hướng nghiên cứu Văn học Việt Nam trong thời đại mới (NXB Giáo dục 2002): "Đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã trăn trở, tìm tòi, trải nghiệm để có những bước chuyển quan trọng trong nhận thức, tư duy, bút pháp,... phản ánh hiện thực những năm cả nước "gồng mình" khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, từng bước "làm quen" với cơ chế thị trường, phát triển và hội nhập... Những bước "chuyển mình" ấy của văn nghệ sĩ là điểm "mốc" cho thấy văn học đã thật sự khởi sắc trên nhiều phương diện, đến độ không ít nhà nghiên cứu coi đây là "giai đoạn phục hưng" của văn học, góp phần đưa văn học nước ta bước sang một giai đoạn mới - giai đoạn văn học đương đại, bắt đầu từ năm 1986".

Hướng nghiên cứu thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của tôi cũng được soi chiếu bởi tinh thần đó.

Thực hiện yêu cầu nghiêm khắc của thầy, viết xong chương nào, tôi đến báo cáo thầy. Vì mắt kém, thầy không thể tự đọc luận án của trò mà phải nhờ thư ký đọc, ghi chép ý kiến của thầy chính xác, rõ ràng. Thầy trò nhiều buổi làm việc về luận án nhưng chưa một lần, tôi ngồi đọc luận án cho thầy. Thầy biết tôi bận, đi công tác liên miên, nên ưu tiên trò đến nhận bản thảo đã sửa.

Thầy hiền lành, nhân hậu, độ lượng, thương và thông cảm cho trò lắm. Nhưng với khoa học, thầy cực kỳ nghiêm túc, yêu cầu cao, kỹ lưỡng, tuyệt nhiên không xuê xoa, dễ dãi. Thầy có trí nhớ siêu tuyệt. Hình như đôi tai nghe tinh nhạy của thầy đã được đôi mắt hỗ trợ. Hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh, thầy nhớ từng chi tiết của luận án. Khi tiến độ thực hiện của học trò chậm, thầy không hài lòng nhưng luôn có cách ứng xử cực kỳ tinh tế. Cảm nhận được độ lo lắng, tâm lý của trò, nên thầy chỉ nhỏ nhẹ, ân cần nhắc nhở: "Hồng nên tranh thủ thời gian làm cho đúng tiến độ. Những yêu cầu cần sửa, thư ký đã ghi lại rồi. Khi nào làm xong thì mang đến tôi sửa tiếp…".

linh-nhat-1724113295696779110072.jpg

Thầy Nguyễn Văn Long đóng vai người lính Nhật trong phim “Những thiên thần hộ mệnh”

Cô Tuyết - người bạn đời thủy chung, người vợ tảo tần, đảm đang, người "làm mắt", "người cầm lái vĩ đại"… của thầy - vì căn bệnh hiểm nghèo đã bỏ thầy và con cháu ra đi năm 2012. Nỗi mất mát, hụt hẫng, trống vắng thật khủng khiếp. Có năm tôi đến chúc tết thấy thầy lụi cụi một mình. Cô con gái duy nhất đang định cư ở Canada không về dịp Tết. Thầy lặng lẽ, chậm chạp, dò dẫm đi từng bước… Bạn bè, đồng nghiệp đều ái ngại cho hoàn cảnh của thầy. Thầy của chúng tôi không cô đơn. Xung quanh thầy có gia đình nội ngoại, bè bạn, đồng nghiệp, học trò… quan tâm, yêu thương giúp đỡ. Và điều quan trọng nhất là nghị lực phi thường, mạnh mẽ, bền bỉ tiềm ẩn trong thầy. Đó chính là nội lực để thầy vượt qua nỗi đau, say sưa nghiên cứu, tiếp tục cống hiến, hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Tính đến thời điểm này, thầy đã hướng dẫn thành công 15 nghiên cứu sinh và hàng trăm học viên cao học.

Ngôi nhà Hội Nhà văn Việt Nam

Năm 2006, thầy được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Thầy tâm sự về chuyên ngành lý luận phê bình: Trong thời kỳ có sự chuyển biến mạnh mẽ của văn học nhịp với bước chuyển của lịch sử xã hội, thì phê bình văn học lại cùng thể hiện vai trò thiết yếu của nó. Khi mà những chuẩn mực giá trị cũ, những quan niệm đang còn đang thịnh thành nhưng đã bộc lộ sự lỗi thời và trì trệ, là lúc bắt đầu xuất hiện những đòi hỏi mới của công chúng đối với văn học, thì chính nhà phê bình là người bằng sự am hiểu thực tiễn đời sống và bằng mẫn cảm của mình sẽ nói lên một cách rõ ràng những đòi hỏi đổi mới ấy.

long-3-17241132956542093081857.jpg

PGS Nguyễn Văn Long (ngoài cùng bên trái) tại Tọa đàm về nhà văn Hải Triều tại Ban Tuyên giáo Trung ương

Trong hoàn cảnh khó khăn, thầy vẫn xuất bản đều đặn những cuốn sách có giá trị về văn học Việt Nam từ góc nhìn thể loại; Văn học Việt Nam sau 1975 và việc giảng dạy trong nhà trường… Mặc dù mắt yếu, đi lại khó khăn, nhưng thầy tôi vẫn tham gia tích cực các hoạt động của Hội, như: Hội nghị lý luận phê bình văn học tại Tam Đảo; Hội thảo, tọa đàm về các nhà văn; Hội nghị Quốc tế quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ Quốc tế; Hội thảo khoa học quốc gia Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới; Tổng kết công tác năm, kết nạp hội viên mới…

Trước kia, cô Tuyết thường đưa thầy đến dự các sự kiện đó. Nhưng từ ngày cô mất, thầy đi taxi một mình, hoặc đồng nghiệp, học trò đón. Tôi thường làm nhiệm vụ đón thầy vào hội trường, dự tiệc, đón taxi cho thầy. Nhìn từng bước đi chậm chạp của thầy, ai cũng ái ngại.Lúc đầu, một số nhà văn vì không biết thầy mắt kém dưới 2/10, cũng không biết tôi là học trò của thầy. Sau hiểu được hoàn cảnh, sức khỏe của thầy, các nhà văn rất xúc động, trân trọng tình thầy trò. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn - tác giả Hương thầm, nhà thơ Y Phương - tác giả Nói với con rất xúc động về tình thầy trò và lần nào gặp cũng chụp ảnh lưu niệm với thầy...

Vài nét về PGS Nguyễn Văn Long

NGND-PGS Nguyễn Văn Long sinh ngày 20/8/1945 tại xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 1965, thầy tốt nghiệp loại ưu khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Năm 1973, thầy bắt đầu viết phê bình văn học.

Thầy từng giữ trọng trách Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam 2 trong 12 năm. Năm 1993, thầy được phong hàm Phó Giáo sư. Năm 2000, PGS Nguyễn Văn Long được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và 6 năm sau (2006) được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Thầy là tác giả của nhiều công trình khoa học; sách tham khảo, bồi dưỡng giáo viên; các bộ từ điển, các tham luận khoa học, các bài báo…

Tác phẩm chính đã xuất bản của PGS Nguyễn Văn Long gồm: Tiếp cận và đánh giá văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám (Tiểu luận, 2001), Văn học Việt Nam trong thời đại mới (Tiểu luận, 2002), Tuyển tập Lưu Trọng Lư (Tuyển chọn giới thiệu, 1987), Thơ Xuân Diệu (Tuyển chọn giới thiệu, 1991), Cuộc thảo luận (1959-1960) về tập thơ Từ ấy (1996); Phân tích tác phẩm văn học Việt Nam từ góc nhìn thể loại (2009); Văn học Việt Nam sau 1975 và việc giảng dạy trong nhà trường (2009); Văn học Việt Nam hiện đại - những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (Nghiên cứu, 2012); Phê bình văn học Việt Nam 1975-2000 (Nghiên cứu - Chủ biên, 2012); Văn học Việt Nam hiện đại (Tiến trình-Thể loại-Tác giả-Tác phẩm, 2024). Ngoài ra, PGS Nguyễn Văn Long được Tặng thưởng công trình về lý luận - phê bình văn học của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1977 và bài viết tổng kết mấy khuynh hướng vận động của văn xuôi giai đoạn 1945-1975 (1985).

Thầy tôi và cơ duyên điện ảnh

Tôi vẫn nhớ thầy Long kể câu chuyện làm diễn viên điện ảnh "bất đắc dĩ" khi đang tu nghiệp ở Nga những năm 1980. Đạo diễn phim Những thiên thần hộ mệnh (Xưởng Lenfilm) về cuộc chiến tranh Nga - Nhật đến ký túc xá có sinh viên châu Á tìm diễn viên vào vai người lính Nhật. Vì vốn tiếng Nga tốt, thầy hiểu và tận tình đưa đạo diễn đến ký túc xá của học viên Nhật. Nhưng học viên đã kết thúc khóa học không có thời gian đóng phim. Không mời được người Nhật, nữ đạo diễn mở rộng đối tượng chọn người châu Á và thầy lọt vào mục tiêu bị đạo diễn "ăn vạ"... Và thế là thầy cùng mấy người bạn Việt Nam trở thành diễn viên đóng vai tù binh Nhật...

Đường dài dịch văn học Việt Nam

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022