Bệnh nhân sống tại quận 1, du học Mỹ vào tháng 6 năm ngoái. Do bận học, không tự nấu ăn, em thường xuyên mua bánh mì, hamburger, đồ chiên rán, nước ngọt sử dụng trong thời gian dài.

Mặt khác, để giải tỏa stress đến từ việc học và thích nghi cuộc sống mới, nam sinh lại càng "cuồng" đồ ăn nhanh, thường xuyên mua pizza, gà rán, xúc xích, nước ngọt để sẵn trong tủ lạnh, cứ 2 tiếng lại lấy ra ăn dù không đói bụng.

"Gần như lúc nào em cũng muốn ăn. Nếu không, tâm trạng sẽ trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi, buồn chán, giống như người nghiện", nam sinh chia sẻ khi đến khám tại cơ sở của bác sĩ Phan Thái Tân, huấn luyện viên sức khỏe giảm cân Homefit, hồi giữa tháng 7.

Kết quả, sau một năm, bệnh nhân tăng 20 kg, từ 77 kg lên 97 kg, kèm một số bệnh nền như gout, tăng mỡ máu, men gan.

Trường hợp khác là thanh niên 24 tuổi, cũng tìm đến bác sĩ Tân khi tăng từ 80 kg lên 97 kg trong gần hai năm du học, do lạm dụng đồ ăn nhanh. Anh cho biết khi sang nước ngoài học thạc sĩ, không biết nấu ăn nên thường xuyên mua bánh mì bơ, pizza, thực phẩm chiên rán "ăn qua ngày".

Việc học áp lực, anh tìm đến đồ ăn như hình thức để giải tỏa, dần lệ thuộc. Khi ý thức hơn về sức khỏe, chàng trai từng thử nhiều cách để cố kiểm soát mức calo nạp vào, đấu tranh tư tưởng "ăn hay không ăn", sau cùng cạn năng lượng, buông xuôi.

"Quyết tâm chỉ được khoảng một tuần là quay lại thói quen cũ", anh nói. Khi thăm khám, bác sĩ Tân nhận thấy bệnh nhân bị mắc chứng béo phì kèm bệnh lý dạ dày, tiêu hóa. Hai người được lên kế hoạch giảm cân bằng dinh dưỡng, kết hợp tập luyện, thay đổi lối sống.

625595582e9cc04bb2d65b05-captu-2712-2233-1721790188.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_M3W8hFk0ZqhFFnGCkCV9Q

Đồ ăn nhanh dễ khiến tăng cân, béo phì. Ảnh: Obesityfree

Bác sĩ Tân cho rằng thức ăn nhanh tiện lợi, nhanh gọn, mùi vị hấp dẫn là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều thực phẩm này có liên quan đến nguy cơ gia tăng các bệnh chuyển hóa, nội tiết, đường ruột.

Thực tế, hầu hết thức ăn nhanh chứa nhiều carbonhydrate, ít hoặc không có chất xơ. Chế độ ăn ít chất xơ có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa như táo bón và bệnh viêm ruột thừa, giảm vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Khi hệ tiêu hóa tiêu thụ, carbonhydrate được giải phóng dưới dạng glucose (đường), làm hàm lượng đường trong máu tăng lên, theo thời gian gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2 và tăng cân.

Ngoài ra,đồ ăn chế biến sẵn có tính gây nghiện - một cơ chế đang được giới khoa học tìm hiểu. Một nghiên cứu hành vi của 500 người đối với thực phẩm này cho thấy một số món ăn có thể kích thích "cơn nghiện", dẫn đến mất kiểm soát, thèm ăn và ăn nhiều, dẫn đầu là pizza, chocolate, bim bim, khoai tây chiên, bánh quy, kem và bánh burger phô mai.

Khi một người cắt giảm lượng thức ăn chế biến sẵn, họ có những hành vi giống người nghiện cai thuốc như cáu kỉnh, mệt mỏi, buồn chán, thèm ăn. Nhiều người chật vật, cố kiểm soát mức tiêu thụ nhưng chỉ được một thời gian là quay lại thói quen cũ.

"Cơn thèm ăn là trở ngại lớn đối với những người đang duy trì mục tiêu cân nặng hoặc đang thực hành một chế độ ăn lành mạnh. Việc ăn quá nhiều là nguyên nhân gây nhiều bệnh khác về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, như huyết áp, tim mạch, rối loạn lo âu", bác sĩ Tân cho hay.

Theo ông Tân, bí quyết đầu tiên để hạn chế thèm ăn là không để bất cứ đồ ăn vặt không lành mạnh nào trong tầm mắt như bàn làm việc, trong nhà. Nếu thực sự thèm ăn, hãy chọn các loại thực phẩm ăn vặt lành mạnh, ít đường, giàu chất xơ để kiềm bớt sự tăng đường huyết, nhờ đó cơ thể vẫn ở trạng thái đốt mỡ tối ưu. Một số đồ ăn vặt không gây béo như ngũ cốc ăn kèm hạt sữa, đậu tươi luộc, một nắm hạt các loại, sinh tố trái cây, rau củ, các thức uống giàu protein như whey protein.

Bên cạnh đó, mọi người nên tìm cách cân bằng cuộc sống bằng việc tập thể dục, tìm thú vui thư giãn, thiền, chánh niệm. Việc giảm stress, rối loạn lo âu sẽ giúp mọi người siết chặt kỷ luật, từ đó hạn chế tiêu thụ đồ ăn vặt.

Với người mới bắt đầu giảm cân, nên giảm theo 5 bước sau: Ăn theo thứ tự, đầu tiên uống một ly nước nhỏ trước bữa ăn để loại bỏ cảm giác đói, tiếp theo uống một bát canh rau để phủ 2-3 phần dạ dày. Sau đó, ăn nhiều protein, cuối cùng nạp cơm ít lại. Tăng thêm rau củ và protein mỗi bữa ăn. Thay thế loại tinh bột từ tinh chế sang nguyên cám, tập nhai kỹ, kéo dài thời gian ăn ít nhất 25 phút. Tập thể dục trước khi ăn các món ít lành mạnh; cuối cùng tập nấu ăn hằng ngày với các gia vị lành mạnh hơn.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022