Hàng chục năm qua, gia đình ông thực hiện nhiều chuyến đi tìm mộ nhưng không có kết quả. Sáng 26/7, khi được mời đến trung tâm y khoa để tham gia chương trình lấy mẫu gene cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính, do Công an TP HCM phối hợp tổ chức, ông thêm hy vọng.

tim-mo-liet-si-1721966380-1721-9243-7246-1721967055.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XFAi_YH5ak4PYFjzOETmAw

Ông Nguyễn Trường Sơn, mang theo ảnh, giấy báo tử của anh trai đến làm thủ tục xét nghiệm ADN nhằm mong tìm được hài cốt anh, sáng 26/7. Ảnh: Lê Phương

Anh trai của ông - Nguyễn Sỹ Lĩnh, sinh năm 1947 ở Đô Lương, Nghệ An, đi bộ đội ngày 10/8/1964, hy sinh ở An Nhơn, Bình Định năm 1968. Bản thân ông Sơn cũng là thương binh. "Mẹ tôi mất cách đây 3 năm ở tuổi 102, lúc còn sống bà luôn đau đáu, dặn dò mấy anh chị em tôi phải cố gắng 'tìm thằng Lĩnh mang về cho tao''', ông Sơn nói.

Sức khỏe suy kiệt sau 25 đợt hóa trị ung thư trực tràng, ít khi ra khỏi nhà, bà Trịnh Lương Thu Trang, 63, cố gắng có mặt từ sớm để xét nghiệm ADN. Bà không biết mặt bố, ngoài bức ảnh được mẹ gìn giữ cẩn thận. Bố bà nối gót ông bà nội và các anh chị em, tham gia kháng chiến và đi biền biệt từ khi cưới vợ. Thời gian đầu ông thỉnh thoảng ghé về, sau đó bặt tin.

"Ngày đất nước thống nhất năm 1975, cả nhà khấp khởi mong ngóng, chờ tin đoàn viên, không ngờ đồng đội của ba đến nhà báo tin ông hy sinh từ năm 1969, chính tay người đó chôn cất cho ba", bà Trang nói. Gia đình đến khu vực ông được chôn ở Bình Phước, nhưng nơi đó là bãi mìn rộng lớn, không thể vào. Sau này, cả nhà nhiều lần nhờ các nhà ngoại cảm tìm kiếm, song "bao nhiêu lần trông mong là bấy nhiêu lần thất vọng".

Mẹ bà Trang qua đời năm 2022 vì tai nạn giao thông, trước đó vẫn không nguôi hy vọng tìm được hài cốt chồng. Nay, bệnh ung thư của bà Trang chuyển xấu, người con muốn "những tháng ngày cuối đời có được tin của ba, hoặc tôi không đợi được thì gia đình sau này cũng có thông tin", bởi "tìm được ba là điều ước ao lớn nhất".

than-nhan-liet-si-1721966475-1-1398-9939-1721967055.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Fnwufs1JwzT7srE8DPzK6A

Bà Trang làm thủ tục trước khi lấy mẫu xét nghiệm ADN. Ảnh: Lê Phương

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội, Công an TP HCM, cho biết việc lấy mẫu ADN cho thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa xác định được thông tin là bước chuẩn bị đầu tiên cho lộ trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ, thực hiện Đề án 06 Chính phủ.

Mẫu ADN của các liệt sĩ chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân sẽ được giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gene. Ngân hàng này do Bộ Công an phối hợp thành lập, ra mắt hôm 23/7, mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính khoảng 20.000 mẫu bằng phương pháp giám định ADN, xác minh 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.

"Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, đòi hỏi gấp rút tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ càng nhanh càng tốt vì thời gian và điều kiện môi trường khắc nghiệt không cho phép kéo dài", bà Lãnh nói.

xet-nghiem-adn-liet-si-1721966-3317-6430-1721967055.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uZbr8Z-5ukRsuiHoV6xUPQ

Bà Lý Thị Sáu (bên phải) lấy mẫu máu xét nghiệm ADN mong tìm được hài cốt chị gái là liệt sĩ Lý Thị Thanh Dũng, mất năm 1966 ở đồi chân đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ảnh: Lê Phương

Hiện, cả nước còn khoảng 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin, gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác minh thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ thiếu thông tin trong các nghĩa trang.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022