Theo CNN, Tara Shakti là một trong 35.000 nghệ sĩ đương đại gồm họa sĩ, nhà văn, thi sĩ, người sản xuất podcast, nhà điêu khắc, nhạc sĩ và nhà làm phim khắp thế giới, có tác phẩm được số hóa và đưa vào vũ trụ thông qua dự án Lunar Codex. Đây là sáng kiến của tập đoàn Incandence, Toronto, Canada kết hợp cùng NASA với mục tiêu lưu giữ di sản sáng tạo của con người cho thế hệ tương lai.

Dự án được chia thành sáu lần phóng với mỗi chuyến bay kéo dài 18 tháng. Lượt tác phẩm đầu tiên được vận chuyển bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 đáp xuống mặt trăng vào tháng 2 năm ngoái. NASA cũng hoàn thành ba đợt chuyển phát tiếp theo đầu năm nay. Năm bức tranh của Shakti sẽ được đặt vào hộp thời gian Codex Polaris, phóng vào vũ trụ bằng tên lửa SpaceX Falcon 9 của tàu đổ bộ Astrobotic Griffin trong tháng 11, dự kiến đáp mặt trăng vào tháng 2/2025.

nam-buc-tranh-cua-tara-shakti-1721882113.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BpjSq4no4jbKgy0pl95ung
năm bức tranh của Tara Shakti

Năm bức tranh thuộc danh sách tác phẩm được đưa lên mặt trăng trong tháng 11. Video: Instagram Tara Shakti

Họa sĩ Tara Shakti trưởng thành trong gia đình có truyền thống nghệ thuật ở Madagasca, được anh trai khuyến khích dùng nhiều màu sắc rực rỡ lúc mới bảy tuổi. Do yêu thích sự phức tạp của nghệ thuật thời Phục Hưng, cô theo học tại Học viện nghệ thuật ở Florence, Italy và chuyển đến Paris làm nghiên cứu tại nhà đấu giá Drouot Auction House.

Từ khi còn nhỏ, Shakti muốn theo đuổi con đường hội họa để vẽ những tác phẩm tôn vinh sức mạnh phụ nữ, lên án vấn nạn buôn người và sự áp bức phụ nữ. Trong cuộc phỏng vấn với CNN, họa sĩ nói: "Tôi muốn dùng tranh vẽ để nhấn mạnh các vấn đề cấp bách của phụ nữ trong xã hội hiện nay. Tôi hy vọng có thể lên tiếng để giúp đỡ mọi người".

portrait-tara-shakti-1-1721876-1340-4111-1721883310.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Lw804IjRy5bXcJfVqzJ9Ag

Chân dung họa sĩ Tara Shakti. Ảnh: CNN

Tài năng của Tara Shakti được giới chuyên môn quốc tế công nhận, theo CNN. Năm 2019, cô giành giải thưởng Mosaic 2019 Exposé Award tại New York cho loạt tranh Archieves. Họa sĩ được trao giải Leonardo da Vinci Award tại Florence tháng 2/2022 và Huân chương Công nhận từ Đại sứ Madagascar ở Rome vào tháng 10 cùng năm.

Trang tin cho biết ông Samuel Peralta - nhà sáng lập dự án Lunar Codex - mời Tara Shakti gửi tranh sau khi phát hiện các tác phẩm của cô trên mạng xã hội đầu năm nay. Trong email gửi CNN, Shakti cho rằng việc những đứa con tinh thần của mình được đưa vào vũ trụ là vinh dự vô cùng to lớn.

"Đây chính là thành tựu mang tính bước ngoặt không chỉ đối với bản thân mà còn của toàn thể cộng đồng nghệ thuật Madagascar. Sự kiện này khẳng định tầm quan trọng của di sản cá nhân cùng những câu chuyện tôi cố gắng chia sẻ thông qua tác phẩm của mình", trích thư của Shakti. Bên cạnh đó, cô muốn giới thiệu về quê hương Madagascar, con người và bản sắc văn hóa truyền thống.

Bài phỏng vấn với CNN, ông Samuel Peralta nhận xét tranh của Shakti: "Trong thời gian sống và làm việc ở Paris, cô ấy đã kết hợp các chủ đề truyền thống của người Madagascar vào các tác phẩm hiện đại, tạo nên tiếng nói độc đáo cho nghệ thuật đương đại và được gìn giữ trong bộ sưu tập Lunar Codex".

portrait-tara-shakti-4-2024072-4196-7616-1721883310.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dSMb-5nYi-WPQyrW1zyJ5g

"Archive III" - một trong năm bức tranh sẽ được phóng lên mặt trăng. Họa sĩ cho biết tác phẩm phản ánh một phần lịch sử Madagascar giai đoạn phụ nữ còn chịu nhiều áp bức. Theo Shakti, hình ảnh người đàn bà ngồi vững vàng, toát lên vẻ thách thức khẳng định thế hệ tương lai không phải chịu số phận như họ. Ảnh: Tara Shakti

Theo CNN, dự án sẽ sao chép các tác phẩm vào thẻ nhớ kỹ thuật số hoặc khắc bằng laser trên Nanofiche - một đĩa nhớ niken có kích thước bằng đồng xu có thể chứa 150.000 trang văn bản hoặc hình ảnh trên một tờ giấy gần bằng khổ A4. Thiết bị ghi nhớ này có thể tồn tại hàng tỷ năm trên mặt trăng. Để đưa các Nanofiche vào không gian, chúng sẽ được niêm phong và bắt vít vào tàu đổ bộ trước khi phóng.

"Sức mạnh thực sự của dự án là truyền cảm hứng cho giới nghệ sĩ ngày nay. Sau tất cả, tại sao chúng ta lại sáng tạo nếu không để lại gì cho tương lai hay một phần của bản thân sau khi chúng ta qua đời?", Samuel Peralta nói về sáng kiến.

Phương Thảo (theo CNN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022