Ngày 25/4, bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Phó Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, cho biết sau Tết Nguyên đán, lịch học của nữ sinh dày đặc từ sáng đến khuya. Em bộc bạch nhiều đêm, đồng hồ điểm một giờ sáng vẫn thức, tay nguệch ngoạc viết các công thức. Càng học, kết quả càng giảm sút, bài kiểm tra bị thầy cô phê "cần cải thiện", "chưa đạt yêu cầu" khiến em hoang mang.

Nữ sinh dần mất đi thói quen từng yêu thích như vẽ tranh, nghe nhạc hay trò chuyện cùng bạn bè. Đặc biệt, em không còn muốn ăn, nhiều khi bỏ bữa hoặc "ăn cho có". Ngoài ra, giấc ngủ chập chờn, ban ngày người mệt lả.

Bác sĩ Dũng chẩn đoán bệnh nhân có dấu hiệu của giai đoạn trầm cảm, khởi phát từ áp lực học tập kéo dài, thiếu ngủ, ăn uống thất thường và gánh nặng tâm lý tự tạo. Khi não bộ căng thẳng, các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, noradrenaline sẽ bị rối loạn, làm người bệnh mất ngủ, chán ăn, giảm khả năng tập trung, cảm xúc tiêu cực tăng. Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng có thể tiến triển nặng hơn.

Bác sĩ xây dựng kế hoạch hỗ trợ toàn diện, gồm dùng thuốc, trị liệu tâm lý và điều chỉnh nhịp sinh hoạt. Nữ sinh được kê thuốc chống trầm cảm nhẹ, phù hợp với lứa tuổi, cùng với đó là không học quá 22h30, không sử dụng điện thoại trước khi ngủ, duy trì giờ giấc sinh hoạt đều đặn kể cả cuối tuần.

sadkid-jpeg-8983-1648919097-1-9391-3706-1745554549.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TLK328_ahrUQ-obupLZ0hg

Ảnh minh họa: Shutterstock

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng học sinh thường đối mặt với trầm cảm và rối loạn lo âu trong các đợt thi chuyển cấp. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết mỗi tháng, nơi này tiếp nhận khám và điều trị khoảng 400-500 bệnh nhân, trong đó hơn 30% tuổi 10-19, nhóm học sinh cuối cấp hai và cuối cấp ba chiếm đa số, nhiều em được đánh giá ngoan, thành tích học tập giỏi. Đáng lo ngại, theo một nghiên cứu của Unicef Việt Nam, cứ 6 em học sinh phổ thông thì có 1 em suy nghĩ đến việc tự tử trong 12 tháng qua.

Giai đoạn vị thành niên là bước ngoặt quan trọng khi cơ thể trẻ thay đổi do tác động của nội tiết và tâm sinh lý. Trong nhiều hoàn cảnh, việc đè nén cảm xúc và không được chia sẻ dẫn đến căng thẳng và trầm cảm kéo dài. Điều này không chỉ tác động tức thời mà còn để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách, gây tổn thương không thể chữa trị hoàn toàn.

Bác sĩ nhìn nhận không phải học quá nhiều là học tốt, ngược lại, học trong tình trạng kiệt sức chỉ khiến hiệu quả giảm sút, thậm chí gây hại cho sức khỏe. Gia đình cần chú trọng hơn đến cảm xúc và tâm tư của con cái; quan tâm, thấu hiểu, kiên nhẫn lắng nghe tâm sự và tránh áp đặt là những cách thiết thực để giảm bớt áp lực.

Cha mẹ cũng cần đồng hành trong học tập, giải trí, kiểm soát mạng xã hội và các nguồn thông tin độc hại. Đồng thời, gia đình cần sớm nhận biết các dấu hiệu bất thường để can thiệp kịp thời, tạo môi trường an toàn cho trẻ bằng cách loại bỏ những vật dụng nguy hiểm như thuốc hay vật sắc nhọn.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022