Aubrey Hasley, 23 tuổi, sinh viên ngành trị liệu nghề nghiệp tại Đại học Elmhurst, Illinois, từng trải qua cơn đột quỵ vào năm ngoái. Triệu chứng đầu tiên xuất hiện là một tiếng chuông lạ trong tai khiến cô tỉnh dậy giữa đêm.

"Âm thanh đó giống như khi đưa micrô quá gần loa, vang rất to trong đầu tôi", Aubrey kể lại hôm 21/5. Dù tiếng chuông chỉ kéo dài vài giây, nó nhanh chóng chuyển thành cơn đau đầu, điều mà cô nghĩ là do tiền sử đau nửa đầu.

Cô quyết định hủy mọi kế hoạch trong ngày và cố gắng nghỉ ngơi. Tuy nhiên, các triệu chứng tiếp tục trở nặng: chóng mặt, đau đầu dữ dội và cảm giác căn phòng đang quay vòng. Là nhân viên bán thời gian tại một bệnh viện, Aubrey nhận ra mình có thể đang gặp các dấu hiệu điển hình của đột quỵ, nhưng vẫn do dự đến phòng cấp cứu vì nghĩ người trẻ ít khi mắc bệnh này.

Tình trạng cô nhanh chóng xấu đi. Khi anh trai đưa cho cô ly nước, cô làm đổ toàn bộ lên người vì mất khả năng phối hợp vận động. Mẹ cô sau đó đưa cô đến Bệnh viện cộng đồng Endeavor Health Northwest, nơi các bác sĩ đã kịp thời xử lý.

"May mắn là khi đến viện, họ không chỉ kê thuốc rồi cho tôi về", Aubrey nói. Khuôn mặt cô bắt đầu bị xệ, giọng nói lắp bắp, kèm theo yếu nửa người bên phải, hoa mắt và buồn nôn. Cô không thể thực hiện các thao tác đơn giản bằng tay hoặc chân.

Các bác sĩ chẩn đoán cô bị đột quỵ và chỉ định phẫu thuật lấy huyết khối để loại bỏ cục máu đông. Ca mổ do tiến sĩ Mohammad Anadani, Trưởng khoa Can thiệp mạch thần kinh tại Viện Thần kinh Endeavor Health thực hiện.

ann-fulk-22-year-old-104078291-4240-3535-1747825789.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=69QOqWVaIlY6odoJZuNiRQ

Aubrey Hasley, 23 tuổi, sinh viên ngành trị liệu nghề nghiệp tại Đại học Elmhurst. Ảnh: Aubrey Hasley

Dù ca mổ đầy căng thẳng, Aubrey nói cô cảm thấy yên tâm nhờ thái độ tích cực và sự chuyên nghiệp của đội ngũ y tế. Bác sĩ thậm chí còn bật nhạc để trấn an cô trong suốt quá trình mổ.

Sau phẫu thuật, cô hồi phục khá nhanh, chỉ nằm viện bốn ngày. Dù vẫn còn mờ mắt và mệt mỏi, Aubrey dần lấy lại thể trạng. Khi bạn bè biết cô bị đột quỵ, họ rất bất ngờ.

"Nhiều người không biết rằng đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ", cô chia sẻ. Thực tế, tỷ lệ đột quỵ và nhồi máu cơ tim ở người trẻ đang tăng lên, ngay cả ở những người không có yếu tố nguy cơ điển hình.

Với Aubrey, nguyên nhân có thể đến từ lỗ thông bầu dục (PFO), một khe hở nhỏ ở tim khiến cục máu đông không bị lọc qua phổi mà trực tiếp lên não. Cô cũng đang dùng thuốc tránh thai, yếu tố được biết đến là làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, Aubrey có tiền sử đau nửa đầu kèm hiện tượng hoa mắt, một yếu tố nguy cơ không truyền thống nhưng phổ biến ở người mắc hội chứng PFO.

"Càng tìm hiểu tôi càng thấy đau nửa đầu kiểu này rất thường gặp ở người có PFO, nhưng hiếm khi gây biến chứng cho đến giai đoạn sau trong đời," cô nói.

Hiện Aubrey đã hồi phục và mong muốn chia sẻ câu chuyện để nâng cao nhận thức cộng đồng.

"Tôi nghĩ việc mọi người biết các dấu hiệu của đột quỵ là rất quan trọng. Nếu tôi bỏ qua, tình hình có thể đã tệ hơn nhiều", cô nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022