Đây là kết quả nghiên cứu mới từ Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas (UT Health San Antonio), công bố hôm 15/5. Nghiên cứu cho thấy tác động đặc biệt rõ rệt ở những người có triệu chứng trầm cảm. Các chuyên gia chỉ ra rằng ngủ hơn 9 tiếng mỗi đêm gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ghi nhớ, nhận biết không gian và xử lý thông tin.
Công trình sử dụng dữ liệu từ 1.853 người trưởng thành tham gia Nghiên cứu Tim Framingham, một dự án theo dõi cộng đồng tại Massachusetts do Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ điều phối. Những người tham gia tuổi từ 27 đến 85, với độ tuổi trung bình là 49,8, không ai trong số họ mắc chứng mất trí nhớ hay từng bị đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu phân nhóm người tham gia theo 4 diện: không có triệu chứng trầm cảm và không dùng thuốc; có triệu chứng trầm cảm nhưng không dùng thuốc; dùng thuốc chống trầm cảm nhưng không có triệu chứng; và có triệu chứng trầm cảm đồng thời sử dụng thuốc. Phân tích cho thấy những người có triệu chứng trầm cảm là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất về nhận thức nếu ngủ quá nhiều, bất kể họ có dùng thuốc điều trị hay không.
"Ngoài ra, những người ngủ nhiều có xu hướng gặp nhiều triệu chứng trầm cảm hơn", Vanessa Young, tác giả chính và giám đốc dự án nghiên cứu tại Viện Glenn Biggs, cho biết. Bà nhấn mạnh giấc ngủ nên được xem là yếu tố can thiệp tiềm năng trong chiến lược phòng ngừa suy giảm nhận thức ở nhóm nguy cơ.

Ngủ quá 9 tiếng một đêm có thể gây tổn hại đến nhận thức não bộ. Ảnh: Pexel
Giấc ngủ được công nhận là một quá trình sinh lý quan trọng đối với sức khỏe não bộ. Các rối loạn về thời lượng và chất lượng giấc ngủ xuất hiện trong quá trình lão hóa, cả bình thường lẫn bệnh lý, góp phần làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer hoặc suy giảm trí tuệ. Hội đồng Sức khỏe Não bộ Toàn cầu khuyến nghị người lớn nên ngủ từ 7- 8 giờ mỗi đêm.
Một số nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng ngủ quá ít lẫn quá nhiều so với khuyến nghị đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng nhận thức, bao gồm trí nhớ, khả năng tập trung, năng lực kiểm soát và điều phối hành vi như lập kế hoạch hoặc ra quyết định. Tuy nhiên, bằng chứng còn thiếu nhất quán do sự khác biệt về độ tuổi, tình trạng sức khỏe và đặc biệt là yếu tố trầm cảm.
"Chúng tôi chỉ thấy mối liên hệ rõ rệt giữa giấc ngủ kéo dài và suy giảm nhận thức, không phải với giấc ngủ ngắn. Tình trạng này ảnh hưởng đến cả trí nhớ và các kỹ năng nhận thức quan trọng như khả năng xử lý và điều hành", giáo sư Sudha Seshadri, giám đốc sáng lập Viện Glenn Biggs và tác giả cao cấp của nghiên cứu, nói.
Các tác giả kêu gọi cần thêm các nghiên cứu theo chiều dọc, quy mô lớn với nhiều phương pháp đánh giá để xác định rõ hơn mối quan hệ nhân quả giữa giấc ngủ và sự thay đổi nhận thức theo thời gian.
Thục Linh (Theo Neuro Science News)