Đầu tháng 7, khi được gia đình đưa đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, nữ sinh lộ rõ vẻ chán nản, lo âu. Bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ luôn nỗ lực học tập để bố mẹ vui lòng, thậm chí học 12 tiếng một ngày, nhưng hiện cảm thấy "vô nghĩa".

Đầu năm lớp 12, Vy tâm sự ước mơ thi vào Đại học Kiến trúc, chuyên ngành thiết kế thời trang, song bố mẹ em phản đối, cho rằng nghề nghiệp này "viển vông, không ổn định". Họ yêu cầu con thi vào trường kinh tế để nối nghiệp gia đình. Mỗi lần cãi nhau với bố mẹ, Vy buồn chán, đóng cửa ở trong phòng một mình, giày vò làm đau bản thân. Lâu dần, tâm lý nữ sinh bất ổn, căng thẳng, mất ngủ, không tập trung học tập, lực học cũng giảm sút.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Viện Sức khỏe Tâm thần, chẩn đoán bệnh nhân bị trầm cảm nặng, sang chấn tâm lý, điều trị bằng thuốc và liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, trường hợp này phải điều trị lâu dài và cần sự quan tâm, đồng hành nhiều hơn từ gia đình.

6741-1665584078-9036-1721118297.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UXG2CROul6F76eApV3UhrA

Bác sĩ trò chuyện với bệnh nhân. Ảnh: AFP

Theo các chuyên gia, tỷ lệ mắc trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên là từ 5% đến 8%. Ba thập kỷ trước, mối đe dọa lớn nhất với các em là rượu, thuốc lá, mang thai, các chất gây nghiện... Ngày nay là lo lắng, trầm cảm, tự hại bản thân và các rối loạn tâm thần khác.

Trung bình, Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai nhận khám và điều trị khoảng 400-500 bệnh nhân, trong đó hơn 30% tuổi 10-19, nhóm học sinh cuối cấp hai và cuối cấp ba chiếm đa số. Phòng Tâm lý lâm sàng hai năm gần đây khám 20-25 trẻ mỗi ngày, 50% số này là trẻ vị thành niên, tăng gấp đôi so với trước giai đoạn đại dịch.

Bác sĩ Yến cho rằng nhiều thanh thiếu niên bị trầm cảm do áp lực từ gia đình. Các bậc cha mẹ áp đặt suy nghĩ của họ lên con cái, với suy nghĩ "tốt cho tương lai con", muốn con tuyệt đối nghe lời. Tuy nhiên, sự áp đặt khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, thiếu sự đồng cảm, thấu hiểu từ gia đình, sinh tâm lý hụt hẫng, chán nản. Nhiều em có hành vi chống đối hoặc phản ứng tiêu cực như thu mình, tự ti.

Mặt khác, ở tuổi vị thanh niên, não bộ đang phát triển, cá tính và ý thức giá trị bản thân đang hình thành, do đó các em gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi mối quan hệ và các vấn đề cuộc sống. "Những áp lực vô hình không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, đúng cách dễ khiến suy nghĩ tiêu cực ở lứa tuổi này ngày càng nhiều, gây trầm cảm, rối loạn lo âu", bà Yến nói.

Trầm cảm, rối loạn lo âu ở trẻ vị thành niên không chỉ gây hậu quả cấp tính mà còn làm giảm nhận thức và mức độ tự tin của trẻ, lâu dài có thể để lại hậu quả khi trưởng thành. Nhiều trường hợp không tâm sự khiến bố mẹ không nhận ra hoặc không thừa nhận con cái đang có vấn đề. Do đó, bệnh nhân đến viện muộn, chậm trễ, việc điều trị mất nhiều thời gian, thậm chí nguy cơ trẻ có các hành vi tự hại, tự sát, loạn thần...

Chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên lắng nghe nguyện vọng của con cái, trở thành người bạn đồng hành và mang lại cho con sự tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ. Nhà trường cần tạo cho trẻ môi trường học tập thân thiện, có phòng tư vấn tâm lý để kịp thời giúp đỡ khi các em gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, phụ huynh không áp đặt mà nên lắng nghe để biết nguyện vọng của con, đưa ra những định hướng tương lai đúng đắn. Không buông lời nhục mạ, xúc phạm, cấm đoán, ép buộc, đánh đập trẻ.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022