Đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, chị cho biết ngày càng không mặn mà với chồng. Mỗi lần chồng gợi ý, người vợ tìm lý do trốn tránh, khiến gia đình lục đục. Hai vợ chồng không có mâu thuẫn song chị luôn bị ám ảnh, mệt mỏi, "nhiều lúc mất hoàn toàn ham muốn". Lo sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, người phụ nữ đến bệnh viện kiểm tra.

Bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết bệnh nhân bị suy giảm ham muốn, suy buồng trứng sớm không rõ nguyên nhân, "gần như không còn khả năng làm mẹ". Kết quả xét nghiệm nồng độ AMH cho thấy số nang noãn non hiện có trong buồng trứng bệnh nhân rất thấp. Vài tháng mới có kinh một lần cũng là biểu hiện vài tháng mới có trứng rụng. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân sợ hãi khi quan hệ và suy giảm ham muốn.

Tương tự, bệnh nhân 30 tuổi, liên tục tìm lý do để tránh né chuyện chăn gối. Dần dần, chồng ít về nhà hơn, bữa cơm chung thưa dần. Mỗi lần gần chồng, chị phải gồng mình chịu đựng vì không cảm thấy viên mãn. Với chị, quan niệm tình dục là chuyện "không nên biết quá nhiều" đã in sâu vào tiềm thức nên càng ám ảnh, dẫn đến "mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần".

Bác sĩ Võ Văn Long, Phó trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – Cơ sở 3, cho biết suy giảm ham muốn tình dục là tình trạng giảm sút hoặc mất hoàn toàn sự quan tâm và ham muốn trong hoạt động tình dục. Đây là một hiện tượng tự nhiên trong chu trình sống của con người và là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến nhiều người ở các độ tuổi, thậm chí có xu hướng trẻ hóa. Năm 2016, tỷ lệ suy giảm ham muốn ở nữ giới từ 18 đến 29 tuổi là khoảng 10%, nam giới là 5%. Đến năm 2020, tỷ lệ ở nữ tăng lên khoảng 12-15% và nam giới khoảng 7-10%.

Dấu hiệu thường gặp của tình trạng này là khó đạt khoái cảm, luôn từ chối quan hệ và gần gũi với bạn đời. Họ thường lo lắng, tim đập nhanh, hồi hộp, lảng tránh trước hoặc trong khi quan hệ mà không có lý do cụ thể. Nhiều người xấu hổ, lâu dài dẫn đến lo âu, bất an, mất hứng thú.

how-to-prove-emotional-distres-8072-4916-1720944073.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vn_KudrPu4KJpoPuVykwTw

Suy giảm ham muốn khiến người phụ nữ mệt mỏi, chán nản, stress. Ảnh: Theo Breezyscroll

Theo bác sĩ, tình trạng suy giảm ham muốn thường gặp ở nữ, không quá nguy hiểm nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Từ việc suy giảm ham muốn có thể dẫn đến các rối loạn khác như rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, sợ quan hệ tình dục,... kèm vấn đề tâm lý, thay đổi tính tình, stress, hay quên, đau đầu, mất ngủ, da khô, sạm và nám.

Bác sĩ Phạm Minh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, nói nhóm người trẻ bị suy giảm ham muốn thường bị ám ảnh và gây hại sức khỏe, tâm lý nhiều hơn so với nhóm lớn tuổi. Bởi, độ tuổi cao, nội tiết suy giảm, nhu cầu đối tác cũng giảm theo. Do đó, nhóm này ít khi bị "lệch pha" về tần số với đối tác, chuyện tình dục lứa đôi vẫn hòa hợp.

Trường hợp người trẻ, nhu cầu đối tác lớn, nếu bị giảm ham muốn sẽ mang lại cảm giác tự ti, mất cân bằng nhu cầu chuyện "chăn gối". Ngoài ra, suy nghĩ "đang còn tuổi thanh niên mà đã bị sinh lý yếu" dễ gây ám ảnh tâm lý, khiến tình trạng giảm ham muốn trầm trọng, tạo vòng bệnh lý luẩn quẩn.

Các nguyên nhân gây suy giảm ham muốn ở nam giới trẻ tuổi là nội tiết sinh dục testosterone bắt đầu suy giảm sau tuổi 30, mỗi năm trung bình 1-2%. Cường độ công việc căng thẳng, áp lực, stress cuộc sống, lối sống chưa lành mạnh, dẫn đến giảm ham muốn và cương dương kém. Hay ăn uống thất thường, ăn thức ăn nhanh, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ suy giảm nội tiết tố nhanh hơn.

Ở nữ, nguyên nhân có thể là suy buồng trứng từ rất sớm, nội tiết không đủ cho chức năng sinh sản và sinh lý kèm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Một nhóm gặp tác dụng phụ khi dùng biện pháp tránh thai như tiêm thuốc hoặc que cấy cũng bị mất hẳn hứng thú, động lực tình dục.

Trường hợp mắc bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tim mạch, suy thận, viêm khớp, và các bệnh lý về thần kinh, tiền sử bị quấy rối, lạm dụng tình dục cũng ảnh hưởng nặng nề đến ham muốn.

z5630617355419-85947c2f70e2ea8-3361-2784-1720944073.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lXRaMryH_irJQlMY8Bw9Xg

Bác sĩ thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tập thể dục ít nhất 4 buổi/ tuần, 30 phút/ buổi. Giải tỏa áp lực, căng thẳng, stress. Không hút thuốc lá, không uống rượu bia, không sử dụng chất kích thích. Ngủ sớm, đủ 7-8 tiếng/ ngày.

Đối với nam, chế độ ăn nên bổ sung hạnh nhân, ngũ cốc, óc chó, mác ca, đỗ đen, rau chân vịt, giá đỗ, dưa hấu, trứng vịt lộn, thịt bò...

Nữ nên bổ sung đậu nành, ngũ cốc, hạt hướng dương, giá, đỗ. Bổ sung vitamin E, liều trung bình 800IU/ngày giúp giảm cơn bốc hỏa. Bổ sung vitamin D, canxi. Ăn tăng hải sản, hàu, tôm, cua, cá, lòng đỏ trứng, sữa.

Trường hợp lo lắng đến ám ảnh, mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì cần phác đồ điều trị riêng, lâu dài.

Các cặp vợ chồng cần dành thời gian để tâm sự, trao đổi và giải tỏa tâm lý. Tập luyện, vận động, ăn uống đủ chất mỗi ngày tăng đề kháng. Không nên quá lo lắng hay tự dằn vặt, trách móc bản thân. Trường hợp nỗi lo lắng gây ám ảnh, mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì cần đi khám. Bác sĩ căn cứ vào tình trạng, mức độ để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022