Ca nhiễm được công bố ngày 16/8, bệnh nhân sống tại Stockholm. Đây là trường hợp đầu tiên mắc biến chủng đậu mùa khỉ nguy hiểm, còn gọi Clade 1b. Đây là phiên bản virus gây đợt bùng phát hiện nay tại châu Phi. Clade 1b được đánh giá nguy hiểm, tỷ lệ tử vong khoảng 5% ở người lớn và 10% ở trẻ em. Trong khi con số tương tự ở chủng cũ khoảng 1%, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo chuyên gia dịch tễ Magnus Gisslen, người này nhiễm bệnh trong chuyến thăm đến châu lục này. Bệnh nhân đã được chăm sóc y tế và chuẩn bị để chẩn đoán, cách ly điều trị an toàn.

"Việc một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được điều trị trong nước không gây rủi ro cho dân số nói chung. Hiện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) đánh giá nguy cơ bùng dịch thấp", báo cáo nêu rõ.

453714485-470905622417793-3186-1947-2715-1723775519.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZoqRJDMAZ7RjxDNXw3eOzw

Virus đậu mùa khỉ (màu cam) lây nhiễm vào các tế bào. Ảnh: NIAID

Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho biết 10 quốc gia ở châu lục này đã ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ. Trong đó, Cộng hòa Dân chủ Congo chiếm hơn 96% tổng số ca bệnh. Số ca tăng 160% trong năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, số trường hợp tử vong tăng 19%. Bệnh đặc biệt phổ biến ở người trẻ tuổi.

Hôm 15/8, WHO tuyên bố đợt dịch đậu mùa khỉ ở các nước châu Phi hiện nay là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (PHEIC). Tuyên bố của tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc WHO, được đưa ra theo lời khuyên của Ủy ban Y tế Khẩn cấp (IHR), gồm các chuyên gia độc lập. Nhóm này đã họp vào đầu ngày để xem xét dữ liệu từ cơ quan y tế Liên Hợp Quốc và những nước bị ảnh hưởng. Ủy ban cho rằng đậu mùa khỉ có khả năng lan rộng hơn nữa trên khắp các quốc gia châu Phi, có thể ra ngoài lục địa.

PHEIC được WHO định nghĩa như một "sự kiện bất thường", "tạo thành mối nguy hại đến sức khỏe cho các quốc gia thông qua sự lây lan của bệnh tật quốc tế", yêu cầu "phản ứng phối hợp" từ nhiều nước.

Tuyên bố về trường hợp khẩn cấp toàn cầu của WHO nhằm báo hiệu nguy cơ lớn về y tế, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều nước để ngăn chặn dịch bệnh lây lan xa hơn. Động thái này cũng có thể khiến các quốc gia thành viên đầu tư thêm nguồn lực vào việc kiểm soát đợt bùng phát trước mắt, bổ sung kinh phí nhằm chia sẻ vaccine, phương pháp điều trị.

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc từng tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu năm 2022, sau khi bệnh lây lan sang hơn 70 quốc gia. Các nước phát triển đã có vaccine hiệu quả ngăn ngừa căn bệnh, nhưng những nước thu nhập thấp không thể tiếp cận nguồn cung một cách đầy đủ, khiến căn bệnh khó được xóa bỏ hoàn toàn. Tình trạng khẩn cấp đã được gỡ bỏ vào tháng 5/2022.

Trong ba năm 2021-2023, thế giới ghi nhận 92.000 ca nhiễm và 167 trường hợp tử vong vì căn bệnh này, chủ yếu liên quan người nam quan hệ tình dục đồng giới và người có nhiều bạn tình.

Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên vào tháng 10/2022. Bộ Y tế ghi nhận hơn 68 ca đậu mùa khỉ, 6 người tử vong, phần lớn bệnh nhân tiền sử nhiễm HIV. Từ đó đến nay các địa phương vẫn rải rác ghi nhận người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Đậu mùa khỉ là bệnh do virus, lây lan qua tiếp xúc gần, với các triệu chứng giống cúm và nốt mụn chứa đầy mủ. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, song có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong. Người suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ mang thai, người già có nguy cơ chuyển nặng khi nhiễm virus này.

Thục Linh (Theo AFP)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022