Bé đau tức ngực và nhiễm khuẩn hô hấp tái diễn nhiều lần. Kết quả chụp chiếu tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy trẻ bị thoát vị cơ hoành bên trái với tạng thoát vị là lách, đại tràng, ruột non, còn thận trái lạc chỗ trên lồng ngực. PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đánh giá đây là trường hợp thoát vị hoành phức tạp, chỉ định phẫu thuật đưa các tạng thoát vị trở lại ổ bụng và tạo hình cơ hoành trái.

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ ghi nhận những tạng thoát vị đã tồn tại trong lồng ngực bé thời gian dài, kích thước lồng ngực trẻ lớn nên tổn thương dính và chảy máu. Kíp mổ cũng phát hiện bất thường là phổi biệt lập với nguồn động mạch cấp trực tiếp từ động mạch chủ ngực và tĩnh mạch đổ về tĩnh mạch thận trái, bị lạc chỗ.

1-jpeg-1723712930-7572-1723713055.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qIdtl28ZcEPvn4AsxGW20w

Phim chụp cho thấy thận nằm lạc chỗ trên lồng ngực bé trai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trong 3 giờ mổ, các bác sĩ đã thành công loại bỏ khối phổi biệt lập bất thường của trẻ mà không tổn thương vào tĩnh mạch thận trái. Các tạng thoát vị, bao gồm cả thận trái lạc chỗ, được đưa trở lại ổ bụng, cơ hoành trái được tạo hình và trở lại với vị trí giải phẫu bình thường. Phim chụp cắt lớp vi tính sau mổ cho thấy cơ hoành liền tốt và phổi trái nở toàn bộ phế trường. Bé xuất viện sau 7 ngày mổ.

Thoát vị hoành với thận lạc chỗ trên lồng ngực là thương tổn hiếm gặp, chiếm 0,25% trên tổng số các trường hợp thoát vị hoành. Theo y văn thế giới, tổn thương này chỉ được báo cáo với các ca bệnh lâm sàng riêng lẻ. Ngoài ra, các tổn thương như em bé này liên quan về mạch máu với thận lạc chỗ, rất khó quan sát trên hình ảnh chụp chiếu trước phẫu thuật.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022