Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến hết tháng 6 tăng khoảng 6% so với đầu năm, đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng.

Trong khi đó, con số tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 5 mới chỉ 2,4%. Như vậy riêng trong tháng 6, tín dụng tăng 3,6%, tương đương nền kinh tế hấp thụ được 480.000 tỷ đồng, cao hơn tổng vốn các ngân hàng bơm ra trong cả 5 tháng đầu năm.

Tháng trước, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành ngân hàng đến hết quý II phải tăng trưởng tín dụng 5-6%. Phó thống đốc Đào Minh Tú sau đó yêu cầu các nhà băng tăng cường đẩy mạnh cho vay, cho biết sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những đơn vị tăng trưởng tín dụng không đạt để tạo điều kiện cho các ngân hàng có khả năng phát triển cho vay.

VPBank-ThanhTung10-5497-1720512685.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=76L8sXHx4Dg3s0rV5cHfOg

Giao dịch tại Ngân hàng VP Bank sáng 14/11

Tín dụng bứt tốc sau thời gian ảm đạm, được lý giải phần nào nhờ nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp tăng tốc nửa cuối năm.

Theo dự báo của FiinRatings, nhu cầu vay vốn nửa cuối năm sẽ tăng tốc nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục. Lĩnh vực sản xuất có những tín hiệu hồi phục khi chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng qua ước tăng 6,8% so với cùng kỳ 2023, với chế biến - chế tạo tăng 7,3%.

Xuất khẩu cũng tăng trở lại nhờ các thị trường chính phục hồi. Nhập siêu trong tháng 5 do tăng nhập khẩu nguyên liệu cho thấy dấu hiệu phục hồi của các ngành sản xuất, đồng thời mở ra tín hiệu tích cực đối với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, báo cáo nhận xét.

Bên cạnh đó, FiinRatings cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản - bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại - triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần tháo gỡ. Các bộ luật mới cũng được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Quỳnh Trang

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022