IMF hôm 16/7 công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu (WEO). Trong đó, cơ quan này cảnh báo lạm phát dai dẳng có thể khiến các nước phải giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn dự kiến. Việc này làm tăng rủi ro tài khóa trên khắp thế giới.

Báo cáo của IMF nhấn mạnh kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn chiến thắng lạm phát. Điều này thể hiện ở việc nhiều ngân hàng trung ương lưỡng lự giảm lãi suất. Lãi vay ở mức cao sẽ bóp nghẹt tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết quan chức Fed vẫn cần "tự tin hơn rằng lạm phát đang giảm bền vững" về mục tiêu 2%. Khi đó, họ mới bắt đầu hạ lãi suất. Ngân hàng Trung ương Anh cũng duy trì lãi suất trong cuộc họp tháng trước, dù lạm phát tại đây đã về 2% trong tháng 5. Cơ quan này ngần ngại điều chỉnh chính sách do giá cả trong lĩnh vực dịch vụ cao hơn dự báo.

2022-11-23T024214Z-1474055329-3721-5192-1721209191.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YWIxqtYSvU6WBSCilbpDhA

Người mua hàng trong một siêu thị tại Chicago (Illinois, Mỹ) tháng 11/2022. Ảnh: Reuters

Trong báo cáo hôm qua, IMF cho biết họ vẫn kỳ vọng các ngân hàng trung ương lớn giảm lãi suất cho vay trong nửa cuối năm. Họ dự báo Fed hạ lãi một lần cuối năm nay, theo kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas.

IMF kỳ vọng lạm phát toàn cầu năm nay giảm về 5,9%, từ 6,7% năm ngoái. Mức này giữ nguyên so với dự báo của họ hồi tháng 4. Cơ quan này cho rằng giá dịch vụ ở mức cao khiến việc giảm lạm phát nói chung gặp khó. "Giá năng lượng và thực phẩm ở nhiều quốc gia đã về mức tiền đại dịch, nhưng lạm phát nói chung thì chưa. Giá dịch vụ và lương tăng là nguyên nhân cho việc này", Gourinchas cho biết, cảnh báo đây là "rủi ro lớn" với tăng trưởng kinh tế.

Tổ chức này cũng nhận định căng thẳng thương mại tăng "có thể kéo rủi ro lạm phát trong ngắn hạn lên cao, do hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn". Vài tháng qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế nhập khẩu với xe điện Trung Quốc, do lo ngại các ngành công nghiệp và việc làm trong nước bị đe dọa bởi hàng Trung Quốc giá rẻ. Mỹ còn tăng thuế với nhiều sản phẩm khác từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, như thép, pin, chất bán dẫn và khoáng sản thiết yếu.

Gourinchas nói rằng "các chính sách đa phương tăng vọt" là mối lo chủ yếu với IMF. "Các hành động này sẽ bóp méo dòng chảy thương mại, thay đổi cách phân phối tài nguyên, châm ngòi cho trả đũa, làm yếu tăng trưởng, giảm chất lượng sống và khiến các nước khó giải quyết thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu", ông nói.

So với tháng 4, Quỹ tiền tệ quốc tế giữ nguyên dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,2% năm nay. Tuy nhiên, cơ quan này hạ dự báo của Mỹ xuống 2,6% - giảm 0,1% so với trước đó. GDP 20 nước sử dụng đồng euro có thể tăng 0,9% năm nay - nhỉnh hơn 0,1% so với dự báo tháng 4.

IMF cũng nâng dự báo cho Ấn Độ và Trung Quốc lên lần lượt 7% và 5%. "Các nền kinh tế mới nổi của châu Á vẫn là động lực tăng trưởng chính cho kinh tế toàn cầu", Gourinchas kết luận.

Hà Thu (theo CNN, Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022