Kể từ tháng 10/2023, có 53 tàu liên quan đến hoạt động buôn bán dầu Nga đã bị Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt. Bloomberg trích số liệu từ các hãng theo dõi tàu thuyền cho biết các tàu này hiện nằm rải rác nhiều nơi trên thế giới, từ Biển Baltic, Biển Đen, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc đến kênh đào Suez.

Nhóm tàu đầu tiên bị trừng phạt là từ tháng 10/2023, bởi Bộ Tài chính Mỹ. Nguyên nhân là công ty sở hữu các tàu này sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp Mỹ cung cấp, để vận chuyển dầu Nga có giá trên mức trần.

G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia áp dụng mức trần giá bán dầu thô là 60 USD một thùng từ tháng 12/2022. Theo đó, họ cấm các công ty cung cấp dịch vụ hàng hải như bảo hiểm, tài chính và vận chuyển cho dầu Nga được bán với giá trên 60 USD.

jd4ne545rnpkdjj5buesddqxwy-170-8600-7295-1720778573.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JS67TQNNvv9d6LKXimNuxA

Tàu chở dầu thuộc Sovcomflot (Nga) đi qua eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) tháng 9/2020. Ảnh: Reuters

Cuối năm ngoái, thêm 7 tàu khác bị giới chức Mỹ đưa vào danh sách này. Năm nay, 32 tàu nữa cũng bị trừng phạt.

Tháng 2/2024, Mỹ áp lệnh trừng phạt với tập đoàn vận tải biển hàng đầu của Nga Sovcomflot. 14 tàu thuộc hãng này vì thế bị đưa vào danh sách đen.

Ngày 13/6, Anh cũng vào cuộc khi nhắm vào 4 tàu dầu bị cáo buộc thuộc đội "tàu dầu bóng tối" - che giấu thông tin chủ sở hữu và hành trình để vận chuyển dầu Nga. 2 tuần sau, đến lượt EU trừng phạt 13 tàu, cũng với cáo buộc trên.

Số lượng bị trừng phạt tương đương 7,5% số tàu được ghi nhận là từng chở dầu Nga kể từ đầu năm 2023. Việc các tàu này bị bỏ không cho thấy phương Tây vẫn có thể gây gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu Nga.

Gần như toàn bộ số tàu trên không nhận được lô hàng nào kể từ khi bị trừng phạt. Số còn lại phải che giấu hoạt động, tắt hệ thống định vị và chuyển hàng sang tàu khác để không bị theo dõi.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các lệnh trừng phạt chỉ có thể gây gián đoạn hoạt động của chính các tàu dầu này. Trên thực tế, khi cước vận tải biển đang giảm, chi phí các lô hàng của Nga được dự báo không tăng đáng kể.

Hôm 3/7, Bộ Tài chính Nga cho biết trong nửa đầu năm, số tiền ngân sách có được từ bán dầu khí tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 5.698 tỷ ruble (65,1 tỷ USD). Nguyên nhân chủ yếu là giá dầu tăng và đồng ruble yếu đi.

Dầu khí là nguồn thu quan trọng của chính phủ Nga, đóng góp khoảng 30-50% ngân sách nước này trong thập kỷ trước. Chiến sự tại Ukraine khiến phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm siết nguồn thu này của Nga. Dù vậy, giới phân tích cho rằng đến nay, chính sách này chỉ khiến dòng chảy năng lượng Nga đổi hướng, chuyển từ phương Tây sang phương Đông.

Hà Thu (theo Reuters, Bloomberg)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022