Trong khoảng 6.000 sinh viên khóa 2020-2024, cô gái đến từ Long An là một trong ba sinh viên tốt nghiệp sớm loại xuất sắc.

Ngân cho hay đã lên kế hoạch học vượt từ học kỳ 2 nhằm rút ngắn thời gian học ở trường, có nhiều thời gian thực tập tại doanh nghiệp, cũng như tiếp cận thị trường việc làm.

Sau kỳ thực tập tại nhà máy Intel Việt Nam mùa hè năm ngoái, Ngân quay lại trường bảo vệ khóa luận, rồi chính thức trở thành kỹ sư vận hành tại đây, hồi tháng 2.

"Mọi việc diễn ra như kế hoạch, thậm chí tốt hơn mong đợi ban đầu của em", Ngân cho hay. "Đây là hành trình đòi hỏi sự kiên trì và có định hướng rõ ràng".

z5570000404523-ca58995bb85dfab-7001-9530-1720670819.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Eto-LDKZGIJzz1rCLU7jHg

Nguyễn Thị Kim Ngân tốt nghiệp sớm nửa năm với loại xuất sắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ban đầu, Ngân dự định theo khối ngành kinh tế và đã trúng tuyển Đại học Kinh tế TP HCM, Ngân hàng. Được người thân tư vấn, nữ sinh chuyển hướng chọn học ngành Quản lý công nghiệp tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM để dễ có việc làm khi ra trường.

"Lĩnh vực kỹ thuật cũng có nhiều vị trí cần nữ nhưng các bạn lại ít theo. Ngành Quản lý công nghiệp có cả yếu tố kỹ thuật và quản trị, kinh doanh, khá phù hợp với nữ giới", Ngân nhìn nhận.

Thời gian đầu ở đại học, như đa số bạn bè, Ngân không quen môi trường học tập vừa nhanh, kiến thức vừa dồn nhiều trong thời gian ngắn. Các môn đại cương đều khó, trong khi thầy cô chỉ giảng qua một lần. Ngân tự nhận thời điểm này cũng mắc "bệnh" ngại hỏi, ngại phát biểu. Vì thế, cô học không hiệu quả, kết quả học kỳ I năm thứ nhất không như mong muốn.

Để cải thiện, Ngân tự học trước một lượt, lên lớp tập trung nghe giảng và ghi âm lại. Dần dần, nữ sinh bắt kịp với phong cách giảng bài của từng thầy, cô và biết cách tự học.

Nữ sinh và một số bạn bè thường cùng học và tự giải đáp với nhau trước các kiến thức khó. Khi nào cùng "bí", cả nhóm mới đến hỏi thầy.

Sang học kỳ hai, Ngân vạch mục tiêu tốt nghiệp sớm. Chương trình chuẩn có 140 tín chỉ, riêng Tiếng Anh có 15, sinh viên có hai lựa chọn là học bên ngoài rồi nộp chứng chỉ để quy đổi hoặc học tại trường. Ngân chọn học bên ngoài để tiết kiệm và chủ động thời gian. Năm 2021, Ngân thi TOEIC và đạt hơn 700 điểm, hoàn thành chuẩn đầu ra ngoại ngữ để dồn sức lực cho các môn chuyên ngành.

Mỗi kỳ, nữ sinh đăng ký 7-8 môn, nhiều hơn 2, 3 môn so với kế hoạch chung. Ngân thường chọn lịch học các môn dồn vào một vài ngày trong tuần, thời gian còn lại để làm bài tập nhóm hoặc học tiếng Anh. Vì lượng bài tập và kiến thức nhiều hơn thông thường, Ngân lên danh sách những việc cần làm từ đầu tuần, chia đều cho các ngày để không quên việc.

"Khoảng thời gian cận kề kỳ thực tập là lúc căng thẳng nhất. Các môn chuyên ngành rất nặng, môn nào cũng đòi hỏi làm bài luận", nữ sinh kể.

Hoàn thành chương trình sớm, đến khi thực tập, Ngân dành trọn vẹn 5 ngày trong tuần cho công việc, không vướng lịch học. Cô nhìn nhận việc này phần nào giúp hòa nhập nhanh với môi trường và đồng nghiệp.

z5570257356732-84f48971c173352-2887-5190-1720670819.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=k_xS1CFcn0Tlr3nFxOftng

Ngân chụp hình kỷ niệm với thầy Tuấn và bạn học trong lễ tốt nghiệp, ngày 23/6. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Huỳnh Anh Tuấn, giảng viên thỉnh giảng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, bất ngờ khi Ngân tìm đến nhờ hướng dẫn kế hoạch học tập, tìm việc, dù đã học hết môn.

"Điểm mạnh của bạn ấy là chịu làm, kiên trì, tập trung cho công việc", ông Tuấn nhận xét.

Ông dặn Ngân khi đi thực tập cứ nhận và nghiên cứu những việc mà người khác né tránh. Thông thường, các sinh viên e dè, nhưng Ngân tỏ rõ quyết tâm, chấp nhận thử thách.

Với tư vấn của thầy, Ngân dự định học lên thạc sĩ để nâng cao khả năng làm việc.

"Được làm việc tại một công ty lớn sau khi tốt nghiệp là một khởi đầu tốt, nhưng đường dài mới biết ngựa hay, mình tự nhủ phải không ngừng học hỏi cái mới", Ngân nói.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022