"Mô phỏng lại di sản là việc bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có thể dễ dàng làm được. Tuy nhiên, lấy di sản làm nguồn cảm hứng để sáng tạo nên câu chuyện mới, đặt ra cho các nghệ sĩ thử thách không nhỏ. Bởi ngoài việc đưa hình ảnh di sản lên các tác phẩm nghệ thuật, họ còn phải tự khẳng định được thương hiệu cá nhân" - họa sĩ Nguyễn Minh khẳng định.

1. Ý kiến của họa sĩ Nguyễn Minh, người sáng lập nhóm Heritage And Art (tạm dịch: Di sản và Nghệ thuật), được nêu ra tại Di sản văn hóa Việt trong đời sống đương đại, diễn ra cuối tuần qua tại 29 Hàng Bài (Hà Nội). Đây là hoạt động trong khuôn khổ triển lãm Ngày xửa ngày xưa do nhóm Heritage And Art tổ chức nhân dịp ra mắt.

Họa sỹ Nguyễn Minh và họa sỹ Lê Thế Anh (từ trái sang) chia sẻ trong tọa đàm

Di sản đôi khi vẫn còn xa lạ với nhiều người, kể cả chính người làm nghệ thuật - đó là chia sẻ của họa sĩ Dương Thu Hằng tại tọa đàm. Sinh ra trong thời kỳ chiến tranh, cá nhân chị chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với những giá trị di sản từ khi còn nhỏ. Bởi thế, trong thực hành nghệ thuật, chị cũng từng có quãng thời gian loay hoay, cố gắng thấu hiểu những giá trị truyền lại từ đời ông cha. Còn sau Hằng, các nghệ sĩ trẻ hiện nay- thế hệ "sinh sau đẻ muộn" - khi tiếp xúc với những gì thuộc về quá vãng, hẳn sẽ dễ bị choáng ngợp hơn nữa.

Nói như lời họa sĩ này, văn hóa truyền thống trải dài hàng nghìn năm, còn đời người chỉ hữu hạn trong khoảng dưới 100 năm. Làm sao để góp nhặt vốn quý từ bề dày truyền thống ấy để đưa vào trong tư duy nghệ thuật của mình, đó là điều chị trăn trở.

chaulong1-17247122141541289830476.jpg

Tác phẩm “Nàng Châu Long” (2024), Lê Thế Anh, sơn dầu

Từ kinh nghiệm thực hành nghệ thuật của mình, họa sĩ Nguyễn Minh gợi ý, nên đặt ra lộ trình nghiên cứu mỹ thuật cụ thể cho từng giai đoạn. Như có giai đoạn, anh tập trung nghiên cứu và thể hiện trên tác phẩm của mình những yếu tố văn hóa dân gian. Đó có thể là các họa tiết lấy cảm hứng điêu khắc đình làng, chú Tễu trong nghệ thuật múa rối nước hay tranh dân gian Đông Hồ... Ở thời điểm khác, tâm huyết của anh đổ dồn vào phong cách tạo hình trong văn hóa cung đình - mà nổi bật là đầu rồng, chim thần thời Lý. Điều này giúp anh tránh việc "sao chép" một cách máy móc những di sản văn hóa có sẵn vào tranh của mình.

Và khi làm việc cùng nhóm Heritage And Art, Nguyễn Minh cùng các cộng sự luôn đặt ra các chủ đề để nghiên cứu. Trước mắt, nhóm bắt tay vào với những cổ vật, bảo vật quốc gia. Khi chia nhỏ chủ đề thực hiện, các nghệ sĩ sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi đi sâu vào một vấn đề, tránh bị lan man. Còn về chất liệu, Minh luôn khuyến khích các nghệ sỹ thỏa sức lựa chọn- miễn sao thể hiện tốt nhất những ý tưởng và câu chuyện mình gửi gắm.

ngayxua12-1724712118703889573543.jpg

“Ngày xửa ngày xưa 12” (2023), Nguyễn Minh, tổng hợp trên toan

2. Ở góc độ khác, khi nghệ sĩ tiếp cận di sản còn gặp khó khăn, thì với công chúng, việc tiếp cận cũng không hề dễ dàng.

Thực tế, những chuyên gia am hiểu mỹ thuật cổ sẽ không quá khó để lý giải những lớp trầm tích văn hóa trên tác phẩm. Nhưng họ không phải đối tượng chủ yếu tới xem các triển lãm. Bởi thế, để phần lớn công chúng - đặc biệt là những người chưa có nhiều hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật - có thể hứng thú, trước tiên cần phải giúp họ hiểu nội dung mình đang xem nói lên điều gì.

Hiểu được điều này, họa sĩ Dương Thu Hằng đề xuất: Các nghệ sĩ nên đặt bên cạnh các tác phẩm trưng bày những chú thích rõ ràng, diễn giải chi tiết. Chẳng hạn, hoa văn trong tác phẩm được lấy cảm hứng từ thời đại nào, nhân vật được đưa vào có liên quan tới bối cảnh lịch sử nào…

netdisan-17247121187271323481845.jpg

“Nét di sản” (2024), Nguyễn Tiến Dũng, sơn dầu

Dù ghi nhận góp ý trên, song họa sĩ Nguyễn Minh vẫn có quan điểm: Hãy để cho các tác phẩm tự tạo ra tiếng nói riêng. Điều mà các nghệ sĩ của Heritage And Art hướng tới là mỗi người tới xem sẽ tự cảm nhận, suy luận dưới lăng kính của riêng mình. Bằng những cách hiểu khác nhau, sẽ tạo ra cho di sản tiếng nói đa dạng hơn, giúp nối dài hơn câu chuyện kể của di sản. Còn nếu khán giả muốn tìm hiểu thêm, bất kỳ nghệ sĩ nào cũng luôn sẵn sàng giải đáp và chia sẻ câu chuyện phía sau tác phẩm.

3. Theo kiến giải của họa sĩ Lê Thế Anh (ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), di sản văn hóa không chỉ là những thứ hữu hình, hiện hữu qua những cổ vật, phong cách tạo hình mà còn có thể là cốt cách, tập tính, ứng xử văn hóa của cư dân ở một vùng đất, địa danh nào đó. Vì vậy, không cứ cứng nhắc đưa những hoa văn, đường nét cổ truyền vào tranh mới là kế thừa di sản.Quan sát từ các họa sĩ trẻ và học trò của mình,anh cho hay: Nhìn bề ngoài, tác phẩm của họ có sự tiếp thu ảnh hưởng của của các phong cách hội họa thế giới, tuy nhiên căn tính dân tộc đâu đó vẫn hiện lên, tựa như mạch ngầm len lỏi ở sâu bên trong tác phẩm.

anlac-1724712118692138688116.jpg

“An lạc” (2024), Lê Đức Tùng, sơn mài

"Tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc vào tác phẩm hiện đại không bao giờ là nệ cổ. Sự kế thừa giá trị truyền thống tạo cho chúng ta điểm tựa vững chắc, để khẳng định tên tuổi, phong cách nghệ thuật của mình trên thị trường nghệ thuật trong nước và quốc tế" - họa sĩ Lê Thế Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Minh cho rằng, thông điệp mà Heritage And Art muốn truyền tải là gìn giữ và phát triển trên nền tảng của sự kế thừa giá trị truyền thống.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, khẳng định: Để có được vị thế trên trường quốc tế, nền nghệ thuật của mỗi quốc gia phải khai thác được giá trị văn hóa truyền thống vốn có. Từ việc khai thác đó, nghệ sĩ có thể tạo ra tính độc đáo cho riêng cá nhân mình. Điều này giúp cho các dòng tranh hiện đại - vốn đã có sức hút nhất định với công chúng - gia tăng giá trị thông qua sự cộng hưởng với các di sản truyền thống.

"Triển lãm Ngày xửa ngày xưagồm 39 tác phẩm của 16 nghệ sĩ thuộc nhóm Heritage And Art, kéo dài đến hết ngày 27/8 tại Nhà trưng bày 29 Hàng Bài (Hà Nội).

Triển lãm giao lưu giữa 2 trường đại học mỹ thuật hàng đầu Việt Nam

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022