Lần trở về quê hương năm 2010, hành động đầu tiên của người phụ nữ 36 tuổi là đặt hai bàn tay xuống mặt đất tại sân bay Nội Bài, Hà Nội để chắc chắn mình không nằm mơ. "Sau 35 năm, cuối cùng tôi đã được trở về nguồn cội", Odile nói.

Chuyến đi năm 2010 của cô tới Việt Nam mục đích chính là tìm mẹ ruột nhưng 14 năm đã trôi qua với gần chục lần di chuyển giữa Pháp và Việt Nam, cô vẫn chưa đạt được nguyện vọng.

Năm 2023, Odile cùng chồng quyết định sang định cư tại Việt Nam để thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm người thân.

hoan-thien-5-3246-1724575994.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yXsKFxweTJqnxr_gMFjtew

Odile Dussart khi còn bé bên ba mẹ nuôi sinh sống tại thành phố Nice, Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Odile Dussart tên tiếng Việt trong giấy khai sinh là Bùi Thị Thanh Khiết, sinh ngày 11/5/1974. Theo giấy tờ thân nhân còn lưu giữ được, mẹ cô tên Bùi Thị Nghé, sinh con tại một bệnh viện ở xã Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (nay là phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một). Khi bé Khiết được ba tháng tuổi, người mẹ đưa con đến cô nhi viện Việt Hoa tại khu vực Chợ Lớn, quận 5, TP HCM. Kể từ đó, cô bé thành trẻ mồ côi.

Trước ngày đất nước thống nhất, tháng 4/1975, hơn 3.300 trẻ em từ sơ sinh đến vài tuổi được cho là trẻ mồ côi hoặc con lai đã rời quê hương trên những chuyến bay thuộc chiến dịch Babylift (Không vận trẻ em) do chính phủ Mỹ thực hiện. Trong chuyến bay đầu tiên ngày 4/4/1975, một tai nạn thảm khốc đã xảy ra. Chiếc máy bay C-5A Galaxy chở hàng trăm trẻ đâm xuống đất làm 153 người tử vong. Trong số 175 người còn sống sót có Bùi Thị Thanh Khiết.

Sau khi nhập viện điều trị chấn thương, Khiết được đưa tới San Francisco, Mỹ trước khi chuyển đến thành phố Nice, miền Đông Nam nước Pháp làm con nuôi trong một gia đình với cha là kỹ sư xây dựng và mẹ làm thợ may.

Bố mẹ nuôi đặt tên con gái là Odile Dussart, dành cho cô tình yêu thương cũng như nhiều cơ hội học tập. Tuy nhiên suốt thời thơ ấu, cô bé gốc Việt là người châu Á duy nhất trong trường học nên Odile phải chịu sự chế giễu, lăng mạ từ những đứa trẻ khác. Chúng trêu chọc vì cô có ngoại hình khác biệt, đặc biệt là đôi mắt bé. Khi không có giáo viên, thậm chí Odlie còn bị gọi với biệt danh "đồ mặt chanh" ám chỉ làn da vàng của mình. Dù luôn là học sinh xuất sắc, đứng đầu lớp tất cả môn học, có thời điểm cô bé khóc với bố mẹ và nói rằng không muốn đến trường.

"Trong cuộc sống không gì là dễ dàng và con phải đấu tranh để đạt vị trí cao nhất", người cha nuôi khuyên con gái. Ông giải thích, cô đã may mắn như thế nào khi còn sống trong chuyến bay thảm họa. "Con cần mạnh mẽ bởi mang trong mình dòng máu của dân tộc anh hùng".

Lời khuyên của cha là động lực giúp Odlie quay lại trường học. Cô trở nên bạo dạn hơn, không còn sợ hãi trước những lời trêu chọc. Khi những đứa trẻ có hành động quá khích,cô bé dũng cảm chống trả lại. Chỉ khi lên trung học cơ sở, mọi kỳ thị về chủng tộc mới chấm dứt.

Năm Odlie 12 tuổi, người cha lâm trọng bệnh. Trước khi ông qua đời, con gái nuôi hứa sau này dù khó khăn thế nào cũng nhất định trở thành luật sư để chống lại sự bất công như bản thân từng chịu đựng.

Sau ngày cha mất, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Để thực hiện lời hứa với ông, Odlie phải làm 2-3 công việc cùng lúc như dạy học, làm người mẫu, nhân viên pha chế lấy tiền đóng học phí. Cô mất 12 năm để lấy được 7 tấm bằng liên quan tới ngành luật tại Pháp cũng như ở châu Âu.

hoan-thien-2-6258-1724575994.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=62qLNgGWI1ELlzPTBgxUjA

Odile Dussart gặp lại vị sơ từng chăm sóc cô trong cô nhi viện tại TP HCM, tháng 12/2010. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm Odlie 25 tuổi, mẹ trao cho cô hồ sơ nhận con nuôi, trong đó có giấy khai sinh. Bà nói không làm việc này trước đây bởi sợ con gái sẽ bỏ tất cả sự nghiệp học hành để về Việt Nam tìm mẹ ruột. Cũng từ thời điểm này, Odlie bắt đầu nghiên cứu tài liệu về chiến dịch không vận, về vụ máy bay rơi cũng như kết nối với những đứa trẻ Babylift đang sinh sống ở nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn 10 năm thu thập thông tin về mẹ đẻ nhưng không thành, Odlie quyết định mang theo giấy tờ về Việt Nam, tìm kiếm những manh mối còn lại.

Tháng 12/2010, sau khi trở thành luật sư, Odlie lần đầu đặt chân về quê hương. Lần theo địa chỉ của cô nhi viện ghi trong giấy khai sinh tại khu vực Chợ Lớn, Odlie gặp lại vị sơ tên Blandine thuộc dòng tu Saint Paul de Chartres - người từng chăm sóc cô trước khi lên máy bay trong chiến dịch Babylift. Sơ kể rằng, mẹ đẻ cô còn rất trẻ, có thể chưa đến tuổi trưởng thành khi sinh con. Còn lại mọi thông tin khác như người khai trên giấy khai sinh là Tạ Thị Bích Vân, bà sơ không rõ đó là người thân hay nhân viên bệnh viện. Thậm chí phần ghi quê quán người mẹ tại xã Phú Cường, sơ cũng không dám chắc là quê gốc hay chỉ sinh sống tại đó thời gian ngắn.

Không có thêm thông tin, Odlie đến UBND xã Phú Cường để dò hỏi người có tên Bùi Thị Nghé. Cán bộ ở đây nói rằng, tại xã có người trùng tên, đề nghị Odlie để lại số điện thoại, email và sẽ thông báo nếu có thông tin mới. Nhưng chờ mãi vẫn không có cuộc gọi nào, việc tìm kiếm rơi vào ngõ cụt.

Nhiều người thấy Odlie vất vả, khuyên nên hài lòng với những gì mình có và tiếp tục cuộc sống ở Pháp thay vì về nước tìm mẹ. "Nhưng tôi vẫn muốn tìm lại bà, để biết mình là ai và đến từ đâu", cô nói. Odlie cũng hiểu với một người mẹ, quyết định rời bỏ con không hề dễ dàng nên chưa bao giờ oán giận mà mong mỏi được gặp lại bà, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tháng 8/2011, lần thứ hai trở lại Việt Nam, Odlie mang theo nhiều bản photo giấy khai sinh, hình ảnh lúc bé và nhờ bạn bè, truyền thông tìm kiếm giúp. Tiếp đó vào các năm 2012, 2016 và 2019, cô liên tục trở lại Việt Nam. "Từ khi bắt đầu hành trình tìm mẹ, tôi đã nhận mình là người con xứ này". Odile nói. Dù trải qua gần cả cuộc đời ở Pháp và không nói được tiếng mẹ đẻ nhưng người phụ nữ này luôn có tình cảm sâu sắc với Việt Nam cũng như con người nơi đây.

hoang-thien-4-4355-1724575994.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9KzpCv8pxlwMDv-yU_pAAQ

Odlie và mẹ nuôi người Pháp khi cô chưa sang Việt Nam sinh sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm người thân, cuối năm 2023, Odlie cùng chồng chuyển đến sống tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tháng 5/2024, cô lấy được quốc tịch để "trở thành người Việt Nam trọn vẹn" và dự định đưa mẹ nuôi 93 tuổi sang phụng dưỡng khi hoàn thành mọi thủ tục.

Ở tuổi 50, người phụ nữ này hàng ngày vẫn lùng tìm thông tin về mẹ đẻ bởi hiểu rằng thời gian càng trôi ký ức càng mờ nhạt và khả năng tìm được người thân càng thu hẹp. Dù vậy, cô chưa bao giờ nản lòng mà đặt quyết tâm phải đi đến cuối cuộc hành trình.

"Điều quan trọng của việc tìm kiếm không chỉ là kết quả mà là con đường bạn đi để thực hiện ước mơ của mình'', nữ luật sư nói.

Hải Hiền

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022