Duyên trời định

Trong căn hộ nhỏ xinh trên tầng 6 tại quận 5 (TPHCM), ông Vũ Phùng Nghinh (80 tuổi) và bà Lê Thị Ái Yến (70 tuổi) cùng cất tiếng hát. Cả hai đang luyện tập cho buổi biểu diễn văn nghệ sắp diễn ra.

Tại chung cư, ông Nghinh, bà Yến nổi tiếng bởi có giọng hát hay, thường xuyên tham gia biểu diễn văn nghệ ở các câu lạc bộ người cao tuổi. Ông bà còn được biết đến bởi mối tình đặc biệt cùng cuộc hôn nhân hạnh phúc ở tuổi xế chiều.

Trước khi đến với bà Yến vào năm 2020, ông Nghinh đã góa vợ 10 năm. Trong khi đó, bà Yến trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ.

kh.jpgÔng Nghinh, bà Yến luôn hạnh phúc, tự hào khi chia sẻ về chuyện tình và cuộc hôn nhân ở tuổi xế chiều của mình. Ảnh: Hà Nguyễn

Ở tuổi xế chiều, ông bà không vướng bận con cái, kinh tế nhưng chịu sự dày vò của nỗi cô đơn. Để tìm người bầu bạn, ông bà tham gia mạng xã hội. Một lần, lướt qua mục ghép đôi trên mạng, bà Yến tình cờ nhìn thấy tài khoản của ông Nghinh.

Bà ấn tượng mạnh với bức ảnh ông Nghinh đang cầm mic hát. Bà đọc qua thông tin cá nhân của ông và lập tức gửi tin nhắn kết bạn.

Một ngày sau, ông Nghinh mới trả lời. Ông cũng ấn tượng với bức ảnh đại diện bà Yến đang chơi bóng bàn. Ông hỏi thăm địa chỉ nhà, số điện thoại của bà.

Bà Yến kể: “Tôi có 2 niềm đam mê là ca hát và chơi bóng bàn. Khi quyết định tìm người kết bạn lâu dài, tôi đặt ra tiêu chí người đó phải có cùng đam mê.

Thấy ảnh ông Nghinh cầm mic hát, tôi rất ấn tượng. Trong khi đó, ông ấy lại mong muốn tìm được người có cùng đam mê chơi bóng bàn. Thấy ảnh đại diện tôi đang cầm cây vợt bóng bàn, ông ấn tượng mạnh.

Ban đầu, chúng tôi chỉ mong tìm được người cùng có 1 trong 2 niềm đam mê là ca hát hoặc chơi bóng bàn. Thật bất ngờ, tôi và ông ấy có cả hai đam mê trên. Thấy có duyên, tôi quyết định hẹn gặp và làm quen”.

Ngày hẹn, thấy mình ít tuổi hơn, bà Yến chủ động bắt xe đến nhà ông Nghinh. Lúc gặp mặt, bà có chút thất vọng vì thấy ông già, xấu hơn trong ảnh.

kh1.pngSau khi về chung một nhà, ông bà đi đâu cũng có nhau. Ảnh chụp lại

Thế nhưng sau khi nhận cái bắt tay ấm áp, lịch thiệp từ ông, bà nhận thấy ông chân thành, tình cảm, khỏe mạnh nên thay đổi suy nghĩ. Trong buổi hẹn hò đầu tiên, ông bà đưa nhau đi chơi bóng bàn.

Trong lúc bắt cặp đánh đôi, ông Nghinh nhận ra cả hai có sự đồng điệu. Ông hạnh phúc chia sẻ với bạn bè rằng mình đã “trúng số độc đắc”, ý là đã may mắn tìm được người phụ nữ cho quãng đời còn lại của mình.

Hạnh phúc tuổi xế chiều

Sau buổi chơi bóng bàn, bà Yến cùng bạn bè về nhà ông Nghinh vui chơi, ca hát. Cuối ngày hôm ấy, trời bỗng nhiên đổ mưa tầm tã, nước ngập mênh mông. Bà Yến không thể bắt xe cũng không nỡ để ông Nghinh đội mưa, lội nước đưa mình về.

Bà quyết định ở lại nhà ông. Cả đêm, ông bà dành thời gian trò chuyện, tâm sự và phát hiện cả hai từng là giáo viên, cùng dạy môn Toán.

Nhận thấy cuộc gặp gỡ giữa mình và ông Nghinh như duyên trời định, bà Yến chủ động đề nghị ông kết hôn.

Bà kể: “Tôi thẳng thắn chia sẻ với ông ấy: Một là chúng ta sẽ đến với nhau và trở thành vợ chồng. Hai sẽ là bạn bè và chỉ xem nhau như anh em. Tôi nói: 'Nếu đến với nhau, chúng ta nhất định phải đăng ký kết hôn. Bởi em không chỉ làm vợ anh mà còn làm mẹ các con anh, làm dâu dòng họ của anh'.

Nghe tôi nói xong, ông ấy đồng ý. Hôm sau, chúng tôi lên phường xin giấy xác nhận độc thân. Hai tuần sau, chúng tôi làm giấy đăng ký kết hôn”.

kh3.jpgCả ông Nghinh và bà Yến đều khẳng định tìm được một nửa còn lại của đời mình ở tuổi xế chiều. Ảnh: Hà Nguyễn

Khi gặp gỡ và quyết định cưới vợ lần thứ 2 ở tuổi 80, ông Nghinh nhẹ nhàng thông báo và được các con đồng tình, ủng hộ. Trong khi đó, bà Yến giấu bặt các con chuyện mình yêu thương ông Nghinh và có ý định đi bước nữa.

Sau khi đặt bút ký vào giấy đăng ký kết hôn với ông Nghinh, bà mới cho các con biết tin. Sự việc khiến các con bà bất ngờ, phản đối. Họ lo lắng bà đã lớn tuổi sẽ vất vả khi làm dâu, "phải hầu hạ người đàn ông hơn mình 10 tuổi".

Nhưng khi được bà giải thích và gặp gỡ ông Nghinh, các con của bà Yến đã thay đổi suy nghĩ. Họ nhận ra bà đã tìm được một nửa còn thiếu của mình nên thấu hiểu, ủng hộ mối quan hệ của ông bà.

Được các con ủng hộ, ông Nghinh dọn về ở chung với bà Yến. Do dịch Covid-19 bùng phát, hai vợ chồng chưa thể tổ chức đám cưới. Ông bà dự định sang năm sẽ tổ chức lễ thành hôn để kỷ niệm 5 năm gặp gỡ, yêu thương nhau.

Suốt gần 4 năm qua, ông bà sống hạnh phúc như cặp vợ chồng son và chưa rời nhau nửa bước. Đi đâu, ông bà cũng bên nhau. Cả hai còn mặc áo đôi, đội nón, đi giày dép cặp,…

Ông bà cùng nhau chơi bóng bàn, đi biểu diễn trong các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao của hội cựu chiến binh, đoàn lao động,… tại quận Gò Vấp, quận 12 và quận 7.

Tình yêu, hạnh phúc hôn nhân ở tuổi xế chiều giúp ông bà sống vui, sống khỏe. Đặc biệt, ông bà thấy mình trẻ, khỏe, yêu đời hơn so với những năm tháng sống trong cô đơn.

“Câu chuyện của chúng tôi được bạn bè, người thân ủng hộ. Một số người còn nói rằng họ ngưỡng mộ chúng tôi. Bởi qua câu chuyện của chúng tôi, họ có niềm tin vào tình yêu, có động lực đi tìm một nửa của mình. Những điều đó khiến tôi rất vui”, ông Nghinh chia sẻ thêm.

co-dau-p.jpg?width=150Yolo
Cô dâu U60 tái hôn sau hơn 20 năm lẻ bóng, hàng xóm tài trợ áo cưới, loa đài

Theo Vietnamnet 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022