Lô hàng này nằm trong tổng số 600.000 liều Avac ASF Live mà chính phủ Philippines đã đặt sau khi cho phép lưu hành tại nước này từ tháng 7/2024.
Ngày 26/8, đoàn công tác của Philippines sang kiểm tra kho lưu trữ của Nhà máy Avac tại Hưng Yên. Ông Engr. Rosendo O.So, Chủ tịch Sinag và bà Pinky Pe Tobiano, Giám đốc điều hành Công ty KPP Powers Commodites Inc - đơn vị nhập khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi của Avac cho biết mục đích chuyến thăm để giám sát, giúp sau này phân biệt được vaccine Chính phủ Philippines mua và vaccine nhập lậu.
Hiện Việt Nam là nước duy nhất nghiên cứu, phát triển thành công và thương mại hóa loại vaccine này. TS Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Avac Việt Nam, cho biết Philippines là quốc gia thứ 2 ngoài Việt Nam cho phép lưu hành vaccine dịch tả lợn châu Phi.
"Chính phủ Philippines hy vọng sẽ giải quyết được ASF bằng giải pháp vaccine", ông Engr. Rosendo O.So nói.
Theo bà Pinky Pe Tobiano, hiện các đánh giá về an toàn, hiệu lực bảo hộ và các hồ sơ nghiên cứu, các dữ liệu hợp tác với Avac Việt Nam đều đảm bảo. Tiến độ đăng ký phù hợp với yêu cầu của Cục Quản lý Dược phẩm Philippines. Các quyết định đưa ra đều dựa trên cơ sở và bằng chứng khoa học.
Ngoài Philippines, Nigeria cũng đặt hàng nhập khẩu 5.000 liều để đánh giá. Các quốc gia như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Nepal, Myanmar đang tiến hành đăng ký.
Nhân viên kiểm đếm vaccine Avac ASF Live tại kho. Ảnh: Quỳnh Trang
Theo TS Điệp, việc chủ động sản xuất trong nước giúp Việt Nam có sản phẩm chiến lược mũi nhọn xuất khẩu ra nước ngoài, tạo cơ hội cho những sản phẩm tiếp theo.
Avac mất gần 3 năm để nghiên cứu và phát triển thành công, đưa vaccine ra thị trường. TS Điệp, trưởng nhóm, cho hay khi nghiên cứu sau tiến sĩ tại Nhật Bản, ông được giới thiệu tham gia dự án dịch tả châu Phi. Về nước, ông cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu. "Chúng tôi làm hơn 115 thí nghiệm trên động vật, nhiều thí nghiệm trong phòng lab, giải trình tự gene, liên tục cải tiến chủng giống, quy trình sản xuất vaccine để làm ra các quy trình tốt nhất", ông nhấn mạnh.
Kết quả vaccine do nhóm phát triển được cấp phép từ tháng 7/2023. Sau đó Avac đã cung ứng gần 300.000 liều vaccine Avac ASF Live cho Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Lai Châu... Lợn sau khi tiêm vaccine, được giám sát và lấy mẫu kiểm tra sau 28 ngày tiêm. Tất cả lợn tiêm vaccine đều khỏe mạnh, chưa có cơ sở nào bị bùng phát dịch.
Hiện Avac Việt Nam có thể cung cấp khoảng 2-5 triệu liều mỗi tháng. Với công suất này đủ để cung cấp cho thị trường Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Đơn vị nghiên cứu và phát triển vaccine Avac ASF Live. Ảnh: Nhóm nghiên cứu/Chăn nuôi Việt Nam
Lãnh đạo Avac Việt Nam cho biết, hiện thế giới chưa có tiêu chuẩn về vaccine tả lợn châu Phi. "Đây là rào cản khiến một số quốc gia vẫn chờ đợi tiêu chuẩn để đánh giá vaccine này", ông Điệp nói và cho biết dự kiến năm 2025 sẽ có tiêu chuẩn về vaccine tả dịch châu Phi để các nước có hướng dẫn xây dựng quy trình an toàn riêng.
Vaccine Avac ASF Live là vaccine nhược độc đông khô được nuôi cấy trên dòng tế bào DMAC. Vaccine này được khuyến cáo tiêm một liều duy nhất và thời gian bảo hộ ít nhất 5 tháng. Hiện một liều tiêm vaccine cho lợn giá từ 61.000-69.000/liều. Theo ông Điệp, mức giá này là cao nên công ty lên kế hoạch sau thời gian thương mại sẽ có lộ trình giảm giá để phù hợp cho người chăn nuôi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 632 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 40.500 con lợn. So với cùng kỳ năm 2023, số ổ dịch tả lợn châu Phi tăng gấp 2,4 lần và số lợn bị chết và buộc tiêu hủy tăng gấp 3,25 lần.
Tại Việt Nam, ngoài Avac còn có Navetco và Dabaco cũng nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Như Quỳnh