Thông tin tiểu sử Chí Trung
Chí Trung (sinh 1961), tên thật Phạm Chí Trung, là một diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh và đạo diễn Việt Nam. Chí Trung là con trai của nghệ sĩ Quý Dương và nghệ sĩ violoncelle Phùng Thúy Lan. Quê anh ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Do truyền thống nghệ thuật của gia đình nên thuở nhỏ Chí Trung bị ép phải học violon. Tuy nhiên sau 4 năm việc học violon không thành công. Học hết trung học, Chí Trung không thi đại học. Anh thi vào Nhà hát Tuổi trẻ. Chí Trung trúng tuyển vào Nhà hát trong cuộc thi hơn 2000 thí sinh và gắn bó với ánh đèn sân khấu.
Chí Trung kết hôn với Ngọc Huyền, cũng là một nghệ sĩ kịch của Nhà hát Tuổi trẻ. Anh bắt đầu yêu Ngọc Huyền từ năm 18 tuổi. Hai anh chị có một con gái và một con trai. Cả hai con đều không theo con đường nghệ thuật như cha mẹ.
Chí Trung có những thành công với chính kịch. Anh đã có những vai diễn điển hình trong các vở lớn như Romeo trong "Romeo và Juliet", Đôn sứt trong "Lời thề thứ 9", Tạ Quay trong "Trò đời".
Khán giả biết đến Chí Trung nhiều hơn với vai trò một nghệ sĩ hài. Anh từng đóng vai Táo Giao thông nhiều năm trong chương trình Gặp nhau cuối năm. Cách diễn hài của Chí Trung tỉnh queo, thỉnh thoảng buông ra một câu bằng chất giọng đặc trưng; không nhắng nhít, không ồn ào, không uốn éo làm bộ làm tịch. Kiểu nhăn mặt, hay tướng đi, thậm chí cả lúc Chí Trung quát tháo trên sân khấu cũng có thể làm khán giả cười. Trong một phỏng vấn, Chí Trung cho rằng sở trường của anh là hài trí tuệ, thể loại chuyển tải thông điệp, triết lý sâu xa tới khán giả.
Chí Trung còn là một diễn viên điện ảnh. Anh thường đóng vai trong các bộ phim hài như Tết này ai đến xông nhà. Anh còn có những vai trong các bộ phim truyền hình như Thái sư Trần Thủ Độ.
Sau nhiều năm công tác ở Nhà hát Tuổi trẻ, từng là Trưởng đoàn kịch 2 của Nhà hát, hiện Chí Trung là Phó giám đốc Nhà hát.
Chí Trung được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1997. Năm 2013, tại Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ, anh được trao "Giải thưởng dành cho đạo diễn" cho vở kịch Mùa hạ cuối cùng.