Phu thê chốn hoàng cung thâm sâu thường khó mà giữ được tình cảm vợ chồng lâu dài, suốt thời gian bên nhau không tránh khỏi những toan tính, mưu mô, thậm chí một trong hai lên kế hoạch “tiễn” người còn lại xuống suối vàng chẳng còn là điều hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc. Thế nhưng kì lạ thay, có một đôi vợ chồng cùng nhau đứng ở đỉnh cao của quyền lực, ấy thế nhưng lại đối với nhau chẳng khác gì vợ chồng bình thường trong thiên hạ, hết lòng giúp đỡ chăm sóc nhau đến tận cuối đời. Đó là Minh thái tổ - Chu Nguyên Chương và Mã hoàng hậu - Mã Tú Anh. Vậy rốt cuộc Mã hoàng hậu có điểm gì đặc biệt khiến vị bạo quân này không những phải kính trọng mà còn rơi nước mắt khi bà rời xa trần thế?

Hai con người chung một số phận: Kết làm vợ chồng, cùng nhau đồng cam cộng khổ

Chu Nguyên Chương là vị hoàng đế khai quốc của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc có một xuất thân khá khiêm tốn. Tuổi thơ của ông gắn liền với nghèo đói và bệnh tật, những người thân thiết xung quanh cũng bị cái nghèo đói hành hạ mà dần mất đi, bỏ lại Chu Nguyên Chương khiến ông vô cùng đau khổ. Không còn ai để nương tựa, ông phải vào chùa sinh sống, hàng ngày phải dọn dẹp, giặt giũ, nấu nướng. Năm 17 tuổi, tình hình bất ổn, chùa không còn là chốn dung thân, ông phải ra đường khất thực, quả thực rất khốn khổ.

Mã Tú Anh, người vợ cả của Chu Nguyên Chương, cũng có một tuổi thơ không mấy vui vẻ. Mẹ bà vừa sinh con xong thì mất, cha thì bị truy nã, phải gửi cô bé cho người bạn của mình là Quách Tử Hưng nuôi dưỡng, từ đó cũng biệt tăm. Khi Chu Nguyên Chương gia nhập quân đội của Quách Tử Hưng. Quách Tử Hưng nhận thấy chàng trai này không phải nhân vật tầm thường nên đã thu phục và huấn luyện ông, sau cùng gả Mã Tú Anh cho ông. Một người là người bình thường, không giàu có, không xuất thân, người kia là tiểu thư nhà giàu nhưng cùng nỗi đau mồ côi cha mẹ từ nhỏ, cứ vậy kết thành đôi. Mã Tú Anh đã thấy được sự dũng cảm của Chu Nguyên Chương và tin tưởng mãnh liệt rằng chàng trai này tương lai chắc chắn sẽ làm nên chuyện.

chu-nguyen-chuong-1-17234386404001167233899.jpg

Ảnh minh họa

Không rời bỏ chồng ngay cả khi đao kiếm kề cổ

Quách Tử Hưng, cha nuôi của Mã Tú Anh là người có bản tính đa nghi, sau khi nghe lời gièm pha thì ngay lập tức giam giữ Chu Nguyên Chương, không cho ông thức ăn nước uống. Mã Tú Anh nghe tin xong thì hết sức lo lắng cho chồng. Bà lập tức nướng thật nhiều bánh rồi giấu chúng vào ngực, lén vào phòng giam thăm chồng. Chu Nguyên Chương bị bỏ đói nhiều ngày, thấy vợ mang bánh đến thì ngay lập tức cắn một miếng thật to, sau đó ông phát hiện dù đi cả một quãng đường dài, thế nhưng chiếc bánh vẫn còn nóng hổi. 

Lúc này ông mới nhìn sang vợ mình, thì ra Mã Tú Anh đã nhét hết những chiếc bánh đó vào ngực mình để sưởi ấm, giúp bánh không bị nguội. Chiếc bánh nóng đó đã làm vùng da ngực trắng nõn của bà đỏ rát lên vì bị bỏng. Miếng bánh nướng đó cả đời Chu Nguyên Chương cũng không thể quên được, không phải vì bánh ngon, mà là sự hy sinh và tình yêu của vợ dành cho ông. Đối với một người thiếu thốn tình cảm gia đình từ nhỏ như Chu Nguyên Chương, nhận được sự quan tâm to lớn như vậy từ Mã Tú Anh, lần đầu tiên người đàn ông cứng rắn như thép cảm nhận được sự ấm áp trong trái tim mình.

Bản tính đa nghi của Quách Tử Hưng nhiều lần suýt đẩy Chu Nguyên Chương đến chỗ chết. Chính nhờ Mã Tú Anh đứng ra hoà giải, còn lấy số tiền bà dành dụm chắt bóp ra để làm cha nuôi vui lòng mới cứu được chồng. Nếu không có Mã Tú Anh, có lẽ lịch sử Trung Quốc sẽ thiếu đi một vị vua lưu danh sử sách đến ngàn đời sau.

Cùng nhau cai trị đất nước, là vợ nhưng sẵn sàng can gián chồng

Trải qua 16 năm tranh đấu, cuối cùng Chu Nguyên Chương và Mã Tú Anh cũng đứng trên đỉnh cao quyền lực. Sau khi lên ngôi, Minh thái tổ dành hết sự dịu dàng cho người vợ tào khang của mình. Ông phong bà làm hoàng hậu. 

Là một người vợ, Mã Tú Anh cũng không quên nhiệm vụ của một hoàng hậu, bà sẵn sàng đứng ra can gián, cảnh báo chồng trong công cuộc cai trị đất nước. Đối mặt với vị bạo quân, tất cả các quan lại đều bất lực, duy chỉ có Mã hoàng hậu là vừa cười vừa thuyết phục Minh thái tổ, cùng ông phân tích tình hình thật thấu đáo, giúp ông có cái nhìn tỉnh táo hơn. Mã hoàng hậu cũng là người công tư phân minh, khi Minh thái tổ lo lắng bà sống cô đơn một mình trong hoàng cung nên có ý định về quê đón người thân họ hàng của bà đến, nhưng Mã hoàng hậu đã ngăn cản lại với lý do “Không nên để người ngoài can thiệp vào chính trị”.

img1153-1723438611982241157705.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: xiangliart)

Càng về sau này, Minh thái tổ càng lộ rõ sự cực đoan khát máu trong quá trình cai trị của mình, thế nhưng ông luôn tôn trọng Mã hoàng hậu, cẩn thận lắng nghe ý kiến của bà và ngay lập tức đáp ứng nhu cầu của vợ.

Trong suốt cuộc đời của mình, Mã hoàng hậu luôn ở bên Minh thái tổ, cùng ông chinh phục thiên hạ, luôn đề xuất và chiêu mộ nhân tài cho ông, nhiều lần cứu ông khỏi nguy hiểm. Mã hoàng hậu không vì địa vị cao quý mà sống xa hoa và tự mãn, ấy là một điều hết sức đáng quý. Ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời, dù bị bệnh tật hành hạ, Mã hoàng hậu vẫn lo nghĩ cho chồng, bà dặn ông phải ở bên hiền thần, tránh xa gian thần nịnh nọt. Vị bạo quân cả đời chém giết hai tay tanh mùi máu, lúc ấy ôm người vợ tào khang của mình trong tay, thấy bà trút hơi thở cuối cùng, ông đã oà khóc như một đứa trẻ. Thế gian thường nói, có khởi đầu rồi sẽ có kết thúc, thế nhưng thái độ và tình cảm Mã hoàng hậu dành cho Chu Nguyên Chương chưa từng thay đổi. Bất kể chàng có là người đứng đầu thiên hạ hay chỉ là người thanh niên mờ nhạt, chàng vẫn là chồng của ta.

Thời thanh niên, Mã Tú Anh như một tia sáng sưởi ấm trái tim Chu Nguyên Chương, giờ đây tia sáng ấy đã tắt, ông lại một lần nữa trở thành kẻ cô độc.

Tình yêu sâu đậm giữa Chu Nguyên Chương và Mã Tú Anh đã cho hậu thế một bài học về một cuộc hôn nhân tốt đẹp. Đó là hai bên phải thấu hiểu nhau, thân thiết với nhau, tin tưởng lẫn nhau. Không tâng bốc hay đàn áp đối phương, thay vào đó phải hỗ trợ, giúp đỡ nhau, không ngần ngại chỉ rõ khuyết điểm của nhau.

Đó mới thật sự là người bạn đời mà chúng ta cần có trong cuộc đời này. 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022