Mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt. Cụ thể, Sở GD&ĐT TP.HCM thông tin, ngày 30/7, Sở có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về việc xác minh quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt.
Qua buổi làm việc, Sở GD&ĐT đã phối hợp đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989.
Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD&ĐT TP.HCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959, như sau: Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM. Đồng thời, ông Vương Tấn Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang).
Ngày 13/8, trao đổi với báo chí, đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin Sở GD&ĐT TP.HCM phản hồi việc ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989.
Theo đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội, về nguyên tắc, khi có văn bản chính thức của cơ quan quản lý thì trường sẽ thực hiện các quy trình theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu học viên sử dụng bằng giả để tuyển sinh thì thì các trường đào tạo và cấp bằng ở bậc cao hơn sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.
Nghị định 04 của Chính phủ ban hành năm 2021 cũng quy định rõ việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. "Tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng bằng giả có thể bị xử phạt vi phạm về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ với mức phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng" - (Khoản 3, Điều 21 Nghị định 04).
Thời gian qua, ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) gây xôn xao khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường ĐH Luật Hà Nội với khoảng thời gian 2 năm 3 tháng. Đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định tổng thời gian đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ là 2 năm 3 tháng, đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT và quyết định của nhà trường.
Hồi tháng 6, Bộ GD&ĐT có công văn hỏa tốc gửi Trường ĐH Luật Hà Nội yêu cầu báo về quá trình tuyển sinh đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt. Theo văn bản này, Bộ GD&ĐT cho biết hiện nay, có nhiều thông tin trái chiều về việc tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tiến sĩ đối với ông Vương Tấn Việt tại Trường ĐH Luật Hà Nội.
Để có thông tin đầy đủ, Bộ GD&ĐT đề nghị Trường ĐH Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (bao gồm cả việc nộp hồ sơ, phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt.
Điều kiện để xét tuyển hoặc liên thông lên bậc đại học
Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân ngày 18/10/2016 quy định rõ các chương trình đào tạo trình độ đại học được tiếp nhận một trong ba trường hợp: Người đã tốt nghiệp THPT; Người đã tốt nghiệp trình độ trung cấp, học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT; Người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng.
Tại Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định 2 đối tượng tuyển sinh của trường đại học: Người đã được công nhận tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương; Người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT theo quy định của pháp luật.
Đối tượng dự tuyển phải đáp ứng các điều kiện sau: Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định; Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành; Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định.
Đối với một chương trình đào tạo hoặc một ngành đào tạo áp dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh, cơ sở đào tạo có thể quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện dự tuyển cho mỗi phương thức tuyển sinh nhưng phải tuân thủ nguyên tắc: Không thí sinh nào bị mất cơ hội dự tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực (trừ những quy định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng mang tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh); hoặc do quy trình tuyển sinh gây phiền hà, tốn kém.
Đối với thí sinh khuyết tật bị suy giảm khả năng học tập, cơ sở đào tạo thực hiện các biện pháp cần thiết và tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh có nguyện vọng được đăng ký dự tuyển và theo học các ngành phù hợp với điều kiện sức khỏe của thí sinh.
Trong Quyết định của Thủ tướng quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học ngày 31/5/2017 cũng nêu rõ điều kiện của người dự tuyển liên thông.
Theo đó, người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có thể học tiếp các chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng chuyên môn phù hợp, hoặc theo hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được các điều kiện của chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định Bộ GD&ĐT.