Theo quyết định này, thời gian dịch xảy ra là tháng 8, nguyên nhân do virus sởi gây ra. Cơ quan y tế địa phương đánh giá sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có thể dẫn đến biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Mọi người có nguy cơ mắc bệnh khi chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đầy đủ. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

Đây là lần đầu TP HCM công bố dịch sởi và cũng là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này. Ngành y tế sẽ thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella, không kể tiền sử tiêm chủng vaccine này trước đó, cho tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi đang sống tại thành phố, có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch.

Theo quy định của Bộ Y tế, từ ngày 20/11/2023, với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất. Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ hai xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được coi là có dịch khi có từ hai huyện có dịch trở lên.

Giới chức yêu cầu các cơ sở điều trị tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, yêu cầu người bệnh phải mang khẩu trang khi đi khám. Tất cả ca bệnh sốt phát ban nghi sởi sẽ được báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh trong vòng 24 giờ.

be-nh-so-i-1724756708-9870-1724756818.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rdx-SMz4eoAhZKo-8SxeyQ

Trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương

Trước đó, Sở Y tế TP HCM đã đề xuất UBND thành phố công bố dịch sởi, triển khai chiến dịch tiêm vaccine, bảo vệ nhóm nguy cơ cao như trẻ mắc bệnh nền, trước tình hình số ca mắc tăng nhanh. Tuần trước, nơi này ghi nhận hơn 100 ca phát ban nghi sởi, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước.

Tính từ đầu năm đến 22/8, thành phố ghi nhận 353 ca sởi, trong khi từ năm 2021 đến 2023 chỉ có một ca xét nghiệm dương tính. Giới chức y tế đánh giá một trong những nguyên nhân khiến bệnh sởi tăng cao là do gián đoạn vaccine tiêm chủng trước đó, khiến miễn dịch cộng đồng yếu đi.

Biểu hiện của sởi là sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc sởi.

Hiện, sởi vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng. Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em, gồm mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022