Độc giả đặt câu hỏi tư vấn về mắt tại đây

Chị Chi, mẹ Phương Anh chia sẻ trong một lần khám sức khỏe tại trường năm 2021, Phương Anh (sinh năm 2016) được phát hiện đục thủy tinh thể bẩm sinh. Sau đó gia đình đưa bé đi khám nhiều nơi nhưng đều chung kết luận. Cha mẹ theo dõi và cho bé đeo kính nhưng tình trạng đục thủy tinh thể vẫn tiến triển nhanh, nặng hơn.

Vừa qua, gia đình đưa Phương Anh tới khám thêm tại Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh. Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận một bên mắt trái của em suy giảm thị lực trầm trọng, không nhìn được do đục thủy tinh thể, mắt phải có tình trạng cận thị kèm hiện tượng loạn thị nặng (hơn 6 độ), thị lực khi đeo kính chỉ đạt 6/10, bắt đầu có biểu hiện nhược thị.

PGS.TS.BS Bùi Thị Vân Anh - Trưởng khoa Phaco và Bệnh phần trước nhãn cầu, Trung tâm Mắt công nghệ cao chia sẻ, thị lực ban đầu của trẻ sơ sinh rất kém và sẽ cải thiện dần theo thời gian. Khi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, quá trình phát triển chức năng thị giác bị cản trở. Do đó, trẻ bị đục đục thủy tinh thể bẩm sinh, đặc biệt là bệnh ở một bên mắt, cần được phẫu thuật sớm, chậm nhất là khi trẻ được 17 tuần để đảm bảo thị lực tối đa 20/20 trong tương lai. Tuy nhiên, Phương Anh phát hiện bệnh muộn và trì hoãn phẫu thuật nên bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng thị lực bên mắt còn lại. Bác sĩ Vân Anh chỉ định bé cần tiến hành phẫu thuật thay thủy tinh thể sớm (Phaco) và kết hợp tập chức năng cho mắt sau phẫu thuật.

Để chuẩn bị cho phẫu thuật, bé được đo công suất thủy tinh thể với máy sinh trắc học nhãn cầu Argos. Với tần số quét nhanh chưa tới một giây mỗi mắt, trẻ lớn như Phương Anh có thể dễ dàng hợp tác với kỹ thuật viên và thiết bị đo đạc. Argos cho kết quả đánh giá toàn diện, chính xác về nhãn cầu, đặc biệt về công suất thể thủy tinh để lựa chọn thủy tinh thể nhân tạo phù hợp với bệnh nhi từ kho lưu trữ của Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh.

z5641037186791-8575711257d2c22-6249-8090-1721190988.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tdoPReMhzLE2RYgPu-CYtg

Khám đục thủy tinh thể với thiết bị đo sinh trắc học nhãn cầu Argos. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Phương Anh có tiền sử phẫu thuật tim bẩm sinh, do đó kiểm tra điện tâm đồ và siêu âm tim là chỉ định bắt buộc nhằm đánh giá khả năng phẫu thuật thay thủy tinh thể. TS.BS Nguyễn Thị Duyên - Phó trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội, chuyên gia về tim bẩm sinh, trực tiếp kiểm tra và đánh giá bệnh nhi đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật Phaco. Kết quả khám tiền mê thuận lợi, mọi kết quả đều sẵn sàng cho ca mổ sắp tới. Phương Anh có thể thực hiện phẫu thuật ngay, trong cùng ngày khám.

Phẫu thuật thủy tinh thể đơn giản và an toàn nhưng với trẻ em cần phải có các dụng cụ mổ và kỹ thuật thích ứng cùng với phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm. "Trường hợp của bé Phương Anh khó khăn hơn vì có tiền sử mắc tim bẩm sinh, đòi hỏi phối hợp đa chuyên khoa để đảm bảo an toàn phẫu thuật", bác sĩ Vân Anh nhận định.

Sau ba ngày cân nhắc, gia đình quyết định để Phương Anh phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể. Trước đó các bác sĩ cùng thống nhất phương án tiến hành gây mê sâu để đảm bảo bệnh nhi hợp tác tốt trong quá trình phẫu thuật. Bác sĩ Vân Anh trực tiếp phẫu thuật với máy Phaco Centurion, sử dụng tay cầm tích hợp cảm biến áp lực để loại bỏ thủy tinh thể bị đục bên mắt trái an toàn và thay thế thủy tinh thể nhân tạo cho bệnh nhi. Toàn bộ ca mổ kéo dài khoảng 10 phút nhưng có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của bác sĩ gây mê hồi sức giàu kinh nghiệm cùng thiết bị gây mê chuyên dụng, đảm bảo an toàn cho ca mổ.

z5637680724531-44e5bd8f0e8530d-6216-7305-1721190988.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LwmUmkEB1mr_IU5uz4-wxw

PGS Vân Anh thực hiện mổ Phaco cho bé Phương Anh. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Tái khám sau phẫu thuật, mắt trái của Phương Anh thích ứng tốt với thủy tinh thể nhân tạo, thị lực hai mắt đều nhau. Tiếp theo bé sẽ bắt đầu tập phục hồi chỉnh quang và chỉnh thị, hiệu chỉnh các kết nối giữa mắt và não, tập luyện mắt tập trung vào một điểm phù hợp.

Theo bác sĩ Vân Anh, thủy tinh thể tự nhiên trong suốt, có khả năng điều tiết và hội tụ các tia sáng lên võng mạc giúp chúng ta nhìn rõ ràng. Khả năng nhìn suy giảm khi thủy tinh thể mất dần độ trong suốt, đây là tình trạng đục thủy tinh thể.

Bệnh lý này thường gặp ở người lớn tuổi. Trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể do nguyên nhân di truyền, chấn thương, nhiễm trùng, bất thường chuyển hóa... Đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 8 tuổi) gây cản trở quá trình phát triển chức năng thị giác, thường dẫn đến nhược thị và nhiều tổn thương khác ở mắt.

Bệnh đục thủy tinh thể có thể được phát hiện ngay khi mới sinh và can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo thị lực trong tương lai cho trẻ. Hiện nay, nhiều công nghệ phát triển riêng biệt nhằm hỗ trợ khám và chẩn đoán các bệnh lý về mắt dành cho trẻ em như máy chụp đáy mắt góc rộng kỹ thuật số cầm tay Phoenix ICON, thiết bị đo khúc xạ cầm tay, máy đo điện võng mạc và dẫn truyền thần kinh thị giác, sinh hiển vi cầm tay... Các thiết bị này hỗ trợ chẩn đoán nhiều bệnh lý nhãn khoa ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, trẻ sinh non như: đục thủy tinh thể bẩm sinh, bệnh lý võng mạc ở trẻ đẻ non (ROP), ung thư nguyên bào ở mắt, xuất huyết võng mạc do hội chứng rung lắc ở trẻ...

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn về mắt tại đây

* Thông tin nhân vật đã được thay đổi.

Khuê Lâm

Vào 10h ngày 18/7, Trung tâm Mắt Công nghệ cao Tâm Anh thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh phối hợp Báo VnExpress tổ chức tọa đàm tư vấn trực tuyến, chủ đề "Ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị đục thủy tinh thể".

Tại tọa đàm, TTƯT.PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Mắt Công nghệ cao Tâm Anh và PGS.TS.BS Bùi Thị Vân Anh, Trưởng khoa Phaco và bệnh phần trước nhãn cầu của trung tâm sẽ giải đáp thắc mắc, chia sẻ kiến thức về đục thủy tinh thể, phương pháp điều trị và phẫu thuật đục thủy tinh thể cũng như chăm sóc sau mổ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022