Người đàn ông có tiền sử viêm gan B 10 năm nay. Hồi tháng 3, ông đi khám sức khỏe, tình cờ phát hiện xơ gan và hình ảnh nghi ngờ u gan ở bệnh viện huyện. Bệnh nhân được chẩn đoán u gan đa ổ, theo dõi ung thư biểu mô tế bào gan trên nền viêm gan B mạn tính.

Một tháng sau, người bệnh được nút mạch khối u tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và có chỉ định ghép gan. Mọi người trong gia đình đều tình nguyện hiến lá gan cho người đàn ông. Các kết quả xét nghiệm sàng lọc cho thấy người em dâu 45 tuổi, quê An Giang, là phù hợp về nhóm máu và miễn dịch.

"Thấy anh chống chọi với bệnh tật, chúng tôi rất xót xa, mong lá gan của tôi sẽ giúp anh sống khỏe" người em dâu nói, hôm 17/7.

Cuối tháng 6, các bác sĩ đã ghép gan cho người anh từ nguồn gan hiến sống của người em dâu. Sau ghép, người nhận và người hiến được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Người hiến được ra viện sau 7 ngày ghép, chức năng gan đạt ngưỡng bình thường, thể tích gan trái (còn lại sau ghép) đã tăng thêm 100%. Còn chức năng gan của người nhận tốt, ăn uống ngon miệng, đi lại bình thường.

1-jpeg-1721201389-3232-1721201463.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IQAGwTH3O-8MSTI7WkyDmg

Các bác sĩ ghép gan cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Ghép gan là một trong những kỹ thuật phức tạp nhất trong chuyên ngành tiêu hóa - gan mật. Tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ghép gan tại Bệnh viện 108 là 75%, tương đương với các nước trên thế giới. Số lượng bệnh nhân cần ghép gan ngày càng tăng, còn nguồn tạng hiến từ người chết não lại hạn chế, nên ghép gan từ người cho sống đã cứu nhiều bệnh nhân. Việc hiến gan không gây ảnh hưởng sức khỏe cũng như khả năng lao động của người hiến.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022