
Giáo hoàng Francis trên ban công chính của Vương cung thánh đường Peter tại Vatican ngày 20/4. Ảnh:
Theo CNN , Giáo hoàng Francis dành những ngày cuối đời để phục vụ nhà thờ, tham gia hết mức có thể vào lễ Phục sinh, điểm nhấn của năm theo lịch Cơ đốc giáo. Ông không chủ trì các nghi lễ chính trong Tuần Thánh và lễ Phục sinh nhưng đã xuất hiện chớp nhoáng vào cuối tuần. Giáo hoàng dành 30 phút tại một nhà tù ở Rome hôm 17/4 và đến thăm Vương cung thánh đường Thánh Peter vào tối 19/4.
Sáng 20/4, ông ban phước "Urbi et Orbi" cho "thành phố Rome và thế giới", trong khi một phụ tá đọc diễn văn của ông. Chỉ giáo hoàng mới có thể ban phước lành này, bao gồm cả việc ban ơn đại xá.

Giáo hoàng Francis đến thăm nhà tù Regina Coeli ở Rome hôm 17/4. Ảnh:
Sau đó, ông chào đón đám đông reo hò tại Quảng trường Thánh Peter từ xe, lần đầu tiên kể từ khi nhập viện do viêm phổi nặng. Trước đó, trong cùng ngày, ông cũng có cuộc gặp ngắn với Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, chức sắc dân sự nước ngoài cuối cùng diện kiến Giáo hoàng Francis.

Giáo hoàng Francis gặp Phó tổng thống Mỹ JD Vance tại Vatican ngày 20/4. Ảnh:
"Tôi vừa biết tin Giáo hoàng Francis qua đời. Trái tim tôi hướng về hàng triệu tín đồ yêu mến ông trên toàn thế giới", Vance chia sẻ trên X sáng 21/4.
"Tôi rất vui khi được gặp ông hôm qua, mặc dù rõ ràng Giáo hoàng đang ốm nặng. Nhưng tôi sẽ luôn nhớ về bài giảng mà ông đã đọc trong những ngày đầu của Covid-19. Nó thực sự rất ý nghĩa", Phó Tổng thống Mỹ viết thêm.
Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời , các nhà lãnh đạo thế giới đồng loạt bày tỏ tiếc thương. Tổng thống Pháp Emmanuel tuyên bố: "Từ Buenos Aires đến Rome, Giáo hoàng Francis muốn Giáo hội mang lại niềm vui và hy vọng cho những người nghèo khổ nhất. Để đoàn kết mọi người với nhau và với thiên nhiên. Mong rằng hy vọng này được hồi sinh không ngừng sau khi ông qua đời".
Ứng cử viên thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết: "Sự ra đi của Giáo hoàng Francis khiến tôi vô cùng đau buồn. Francis sẽ được nhớ đến vì cam kết không mệt mỏi của ông đối với những thành viên yếu thế nhất của xã hội, vì công lý và hòa giải".
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen gửi lời chia buồn trên X: "Giáo hoàng đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt xa Giáo hội Công giáo, bằng sự khiêm nhường và tình yêu thương thuần khiết dành cho những người kém may mắn".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết ông "vô cùng đau buồn" trước sự ra đi của Giáo hoàng. "Trong giờ phút đau buồn và tưởng nhớ này, tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến cộng đồng Công giáo toàn cầu. Giáo hoàng Francis sẽ luôn được hàng triệu người trên thế giới nhớ đến như một ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và lòng dũng cảm", ông Modi viết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, tại Tòa thị chính Tsingoni sáng 21/4. Ảnh:
Giáo hoàng Francis là giáo hoàng Mỹ Latinh đầu tiên, được tấn phong vào năm 2013 và là một trong những giáo hoàng lớn tuổi nhất trong lịch sử giáo hội. Trước khi trở thành giáo hoàng, ông là Hồng y Jorge Mario Bergoglio, tổng giám mục của Buenos Aires. Chuông nhà thờ trên khắp Rome vang lên sau khi Vatican thông báo về sự ra đi của Giáo hoàng Francis vào sáng 21/4.
Tùng Anh (Theo CNN )