TS Lan Vũ, 43 tuổi, là kỹ sư cao cấp tại Broadcom, Mỹ. Đây là tập đoàn bán dẫn lớn thứ hai thế giới hiện nay, với số vốn hóa thị trường 1,1 nghìn tỷ USD.

Lan chịu trách nhiệm nghiên cứu giải pháp nhằm tối ưu hiệu suất, giảm chi phí vận hành các trung tâm dữ liệu chạy các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đòi hỏi khả năng tính toán tốc độ cao, sử dụng các chip tăng tốc như GPU. Hơn 10 năm qua, chị tập trung nhiều vào các công nghệ ảo hóa chip GPU, giúp tăng cường việc chia sẻ tài nguyên giữa các ứng dụng sử dụng GPU như AI, đồ họa chạy trong trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp lớp.

Các sáng chế của TS Lan tập trung vào ba mảng chính: Ảo hóa GPU và tối ưu hiệu suất sử dụng GPU trong môi trường đám mây, các ứng dụng về học máy (machine learning) và AI cho quản lý trung tâm dữ liệu, và bảo mật ứng dụng.

"Mục tiêu của mình là đem lại những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng là các doanh nghiệp, vừa giúp tiết kiệm chi phí hạ tầng ứng dụng, vừa bảo mật cao", Lan nói.

img-2728-jpg-1747641602-174764-1551-9946-1748383981.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=u54qUil3DKO3mlrjlzlH5Q

TS Lan Vũ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Niềm đam mê của chị Lan bắt đầu từ những năm học cấp 2, khi được bố mẹ mua về một chiếc máy tính, hồi giữa thập niên 90. Lan bắt đầu những lớp học đầu tiên qua các chương trình dạy nghề ở cấp 2, rồi học lập trình ở cấp 3.

Từng là học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM, khi vào đại học, Lan Vũ chọn ngành Tin học quản lý tại Đại học Kinh tế TP HCM, để học về phát triển các phần mềm quản lý cho doanh nghiệp. Đây cũng là giai đoạn chị tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI).

"Đây là lĩnh vực vừa phù hợp với sở thích, vừa có những đổi mới cho mình cơ hội học hỏi liên tục", Lan nhìn nhận.

Lan tốt nghiệp loại giỏi vào năm 2004. Để trau dồi ngoại ngữ, chị cũng đồng thời học thêm chương trình cử nhân Ngôn ngữ Anh ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và tốt nghiệp hơn một năm sau đó. Sau khi ra trường, ngoài giảng dạy và làm việc ở một số doanh nghiệp, chị tham gia một số dự án nghiên cứu phát triển phần mềm cho giáo dục và các ứng dụng AI trong xử lý dữ liệu tự động.

Những trải nghiệm này khiến chị muốn học lên bậc cao hơn ở Mỹ - nơi có môi trường khoa học và công nghệ phát triển hàng đầu. Lan lên đường theo học thạc sĩ Khoa học máy tính của Đại học Colorado Denver, bắt đầu hành trình mới vào đầu năm 2007. Tại đây, chị tiếp tục nghiên cứu về AI và các hệ thống thông minh.

Năm cuối chương trình thạc sĩ, Lan bắt đầu làm quen với lĩnh vực tính toán tốc độ cao (high performance computing). Trước đó, khi xây dựng những ứng dụng học máy, chị thường mất rất nhiều thời gian để huấn luyện các mô hình AI, đặc biệt là các mạng nơ-ron nhân tạo. Sau khi học một lớp về "Các hệ thống song song và phân tán", Lan phát hiện rằng có thể xây dựng những thuật toán, sử dụng sức mạnh tính toán của nhiều con chip xử lý trên một hoặc nhiều máy tính cùng lúc để tăng tốc cho các ứng dụng đòi hỏi những sức mạnh tính toán cao.

Như tìm thấy chìa khóa cho những vướng mắc từng gặp phải, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ năm 2009, chị học lên tiến sĩ Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin để nghiên cứu sâu hơn về ứng dụng tính toán tốc độ cao cho học máy và khai khoáng dữ liệu (data mining). Bên cạnh làm nghiên cứu, chị tham gia giảng dạy trong khoa, nuôi con nhỏ, mang lại nhiều trải nghiệm nhưng không ít thử thách. Chị tốt nghiệp tiến sĩ với 9 bài báo khoa học là tác giả chính.

Ngoài ra, chị phát triển niềm yêu thích âm nhạc. Lan từng tự học đàn cũng như sáng tác nhạc từ ngày học phổ thông. Với chị, âm nhạc là người bạn đồng hành đặc biệt, giúp cân bằng cảm xúc. Tới nay, chị đã sáng tác hàng chục ca khúc, vừa để thư giãn, vừa bày tỏ, chia sẻ tình cảm với gia đình, bạn bè.

Một lần ngẫu hứng bên đàn piano, Lan thấy con gái nhỏ ê a theo. Cảm nhận được kết nối đặc biệt, Lan hoàn thiện giai điệu, viết lời và đặt tên là "Giấc mơ cho con".

"Tôi đã viết bằng những cảm xúc chân thật nhất, để nói lên tiếng lòng và tình cảm của những người mẹ dành cho con mình".

ca-khuc-giac-mo-cho-con-do-ts-phuong-lan-sang-tac-1746268865.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ehuewLK7yUs7N154BkOk_g
Ca khúc Giấc mơ cho con do TS Phương Lan sáng tác

Ca khúc Giấc mơ cho con do TS Phương Lan sáng tác, mẹ cô thể hiện. Video: Nhân vật cung cấp

Năm 2013, khi thực tập tại VMware - công ty công nghệ điện toán đám mây ở thung lũng Silicon, Lan phát triển thành công công nghệ ảo hóa GPU bao gồm hệ thống CUDA ảo. Công nghệ này giúp tối ưu khả năng chia sẻ nguồn tài nguyên chip GPU - vốn rất đắt đỏ.

Nhận thấy tiềm năng, công ty đã đăng ký bằng phát minh. Khi kỳ thực tập kết thúc cũng là lúc Lan nhận được lời mời ở lại làm việc. Chị sau đó làm về R&D (nghiên cứu và phát triển) tại VMware, và nhận tấm bằng sáng chế đầu tiên vào cuối năm 2016.

"Cảm giác rất đặc biệt vì đó là bằng sáng chế đầu tiên", Lan nhớ lại. Đến nay, chị xin phê duyệt 25 bằng sáng chế, trong đó 19 bằng đã được cấp.

Dẫu đã có "đà", con đường của Lan không phải luôn thuận lợi. Có những nghiên cứu qua rất nhiều thử nghiệm mà kết quả không như mong đợi. Cũng có những giải pháp tốt nhưng vì đưa ra quá sớm nên mất nhiều thời gian để thị trường đón nhận. Lan nói chọn gắn bó với công việc này vì môi trường giúp cô sáng tạo, phát huy khả năng và sự yêu thích cũng như cơ hội làm việc với nhiều đồng nghiệp giỏi.

Một niềm vui nữa là khi chị hướng dẫn các sinh viên, nghiên cứu sinh tài năng ở nhiều đại học tới thực tập.

"Mình cảm thấy vui vì giúp các bạn trẻ có những trải nghiệm trong môi trường thực tế", Lan nói. Một số bằng phát minh và bài báo khoa học mà Lan có, cũng từ kết quả làm việc với các thực tập sinh tài năng.

Nhìn lại hành trình, Lan tự hào nhất là những bài học, trải nghiệm đã giúp bản thân trưởng thành về suy nghĩ. Chị cởi mở hơn với những thử thách và thất bại, cũng nhẫn nại hơn rất nhiều để có kết quả như mong muốn.

"Mình không còn ngại thử thách như thời còn trẻ. Đôi khi thất bại cũng có cái hay vì mình thường học được nhiều hơn từ mỗi thất bại khi đi sâu tìm hiểu nguyên nhân để thay đổi và cải tiến", Lan chia sẻ.

Với Lan, tin tưởng vào bản thân và không ngừng nỗ lực sẽ tạo cho con người năng lực để vượt lên khó khăn. Lan cũng cho rằng không nên ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chuyên gia để học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm quý báu nhằm thực hiện ước mơ. Và cuối cùng, tự đặt ra thử thách cũng là cách để tích lũy trải nghiệm và chủ động vượt qua.

Khánh Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022