"Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, nơi khoa học công nghệ trở thành động lực then chốt của tăng trưởng. Cuộc cách mạng hôm nay không chỉ về công nghệ mà còn về con người với lực lượng nòng cốt là những kỹ sư trẻ sẵn sàng bứt phá, góp phần vào hành trình phát triển đất nước", ông Khoa nói tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam - Asia DX Summit 2025). Sự kiện có chủ đề "Làm chủ công nghệ - Đột phá, vươn mình", do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức ngày 27-28/5 ở Hà Nội.
Theo ông, hành trình để Việt Nam trở thành quốc gia số phát triển, một trung tâm công nghệ trong khu vực còn nhiều thách thức, từ việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế đến nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông, với sự hội tụ của "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", gồm một chiến lược quốc gia rõ ràng, các chính sách đột phá, năng lực ngày càng trưởng thành của các doanh nghiệp và một thị trường nội địa rộng lớn, "cơ hội để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đột phá vươn mình vô cùng sáng rõ".

Chủ tịch Vinasa Nguyễn Văn Khoa tại Vietnam - Asia DX Summit 2025. Ảnh: Minh Sơn
Một số nhóm công nghệ chiến lược đang được chú trọng nghiên cứu, phát triển gồm AI, khoa học dữ liệu, Internet vạn vật, mạng di động 5G, 6G, Blockchain, bán dẫn, an ninh mạng... Tính đến 2025, Việt Nam có hơn 54.500 doanh nghiệp công nghệ số. Một số tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT, Misa, One Mount đã nhận nhiệm vụ phát triển sản phẩm công nghệ lõi để giải quyết một số bài toán lớn của quốc gia.
"Trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu mạnh mẽ, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang khẳng định vị thế bằng tinh thần làm chủ công nghệ, sáng tạo sản phẩm, giải pháp trí tuệ Việt Nam và liên tục đổi mới. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp công nghệ tận dụng chính sách hỗ trợ của Chính phủ và khai thác thị trường chuyển đổi số đầy tiềm năng", người đứng đầu Vinasa cho hay.
"Cơ hội vàng" này được thể hiện qua nhiều chỉ số. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số tăng từ 30% vào năm 2021 lên gần 70% năm 2024. Chính phủ số đang phát triển mạnh với hơn 95% dịch vụ công cấp độ 4. Kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP năm 2024, hướng tới mục tiêu 20% GDP năm 2025. Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử đã tạo ra cuộc cách mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh phát triển công nghệ lõi, đột phá, doanh nghiệp công nghệ số cũng đi sâu vào từng lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng AI trong y tế, nông nghiệp, chuyển đổi xanh... "AI đang tạo ra bước chuyển lớn trong y tế, từ hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, cá nhân hóa điều trị, đến tối ưu vận hành bệnh viện. Đặc biệt, AI giúp bác sĩ đưa ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn, đồng thời nâng cao trải nghiệm bệnh nhân thông qua các giải pháp số hóa toàn diện", ông Phạm Tiến Thành, CEO Saigon Technology, chia sẻ trong bài phát biểu về AI trong y tế tại sự kiện.
Theo ông, tương tự nhiều lĩnh vực khác, thách thức trong quá trình chuyển đổi số y tế, chăm sóc sức khỏe không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở sự thiếu đồng bộ dữ liệu, chưa có chuẩn kết nối chung, tư duy quản lý truyền thống. "Chúng tôi cũng nhận thấy cơ sở y tế nhỏ và vừa thường gặp khó khăn về ngân sách, nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin. Vì vậy, chúng tôi đang tập trung phát triển giải pháp phần mềm linh hoạt, dễ triển khai, có thể chạy trên nền tảng đám mây, không cần đầu tư phần cứng phức tạp", ông Thành cho biết.

ông Phạm Tiến Thành, CEO Saigon Technology, tại Vietnam - Asia DX Summit 2025. Ảnh: Song Hà
Còn theo báo cáo của IDC, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chi tiêu hơn 1.000 tỷ USD vào chuyển đổi số năm 2025. Các quốc gia trong khu vực châu Á đang ưu tiên một số công nghệ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi số như AI, công nghệ xanh, 5G và hạ tầng mạng, blockchain.
Việt Nam hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ số đang xuất khẩu dịch vụ phục vụ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Australia, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Ông Junya Kawamoto, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác quốc tế của Hiệp hội CNTT Nhật Bản (JISA), cũng cho biết Nhật Bản đang có nhu cầu lớn từ Việt Nam trong phát triển AI y tế, giáo dục và sản xuất.
"Bằng việc làm chủ công nghệ và tận dụng cơ hội từ cuộc chuyển đổi số toàn diện, doanh nghiệp công nghệ số không chỉ đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia mà còn có thể ghi danh Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới," Chủ tịch Vinasa nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025, tập đoàn GlobalTech công bố nền tảng số Vivina, nơi cung cấp tiện ích, giải pháp công nghệ và là hệ sinh thái mở để cá nhân và tổ chức có thể tham gia đồng sáng tạo.
Minh Minh